Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Bốn giải pháp thu hút các nguồn lực Việt Kiều trong sự nghiệp phát triển Đất nước


Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn coi trọng và đánh giá cao sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, và đã có nhiều chủ trương, chính sách cởi mở đối với đồng bào, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

       Sinh thời, Hồ Chủ Tịch giành nhiều tình cảm và coi trọng công tác vận động Việt kiều. Với phương châm "vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người nào" trong khi thực hiện "những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho", chính Hồ Chủ Tịch đã thành lập Nhóm người An Nam yêu nước (năm 1919), tiền thân của Phong trào Việt kiều yêu nướcHội người Việt Nam tại Pháp ngày nay; thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, Trung Quốc (năm 1924), có chi hội đầu tiên ở ở Phichit Thái Lan (năm 1926), sau lan ra những nơi khác có đông người Việt sinh sống. Năm 1928, Hồ Chủ tịch đến Thái Lan, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức phong trào Việt kiều yêu nước. Cuối những năm 1950, Người cũng trực tiếp xuống cảng Hải Phòng đón kiều bào ta từ Thái Lan hồi hương...

       Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước". Đại hội lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam lại một lần nữa nhấn mạnh: "Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam...". Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng (Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 29/11/1993) và một Nghị quyết công khai (Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004); đồng thời chỉ đạo Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này (tháng 6/2004). Nhằm cụ thể hóa thực hiện hai Nghị quyết nêu trên, cũng như các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII và IX, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định; các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều quyết định, thông tư hướng dẫn về các lĩnh vực: quốc tịch, hộ tịch, nhập xuất cảnh, cư trú, hồi hương, đầu tư kinh doanh, nhà đất, văn hóa thông tin tuyên truyền, thể thao, hỗ trợ, vận động cộng đồng, dạy và học tiếng Việt, cũng như về công tác thi đua khen thưởng… Nhìn chung, cho tới nay, hệ thống các chủ trương, chính sách, các quy định là tương đối đồng bộ, đề cập hầu hết các lĩnh vực liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, các chủ trương, chính sách ban hành trong thời kỳ đổi mới những năm gần đây đã từng bước đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đồng bào ở ngoài nước về các vấn đề quốc tịch, hồi hương, cấp phát hộ chiếu và những quyền lợi thiết thân khác của đồng bào. Người mang hộ chiếu Việt Nam và người gốc Việt Nam có công với đất nước nay đã được hưởng chính sách gần hoàn toàn như công dân trong nước. Để khuyến khích đồng bào tham gia xây dựng đất nước, nhiều luật và văn bản dưới luật đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đồng bào trong các hoạt động đầu tư, buôn bán, gửi tiền về giúp đỡ thân nhân và đóng góp chất xám cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều chính sách, biện pháp tích cực có tính đột phá đã được Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Ngoại giao về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ...

      Sau các Quyết định số 210 và 114 của Thủ tướng Chính phủ trong những năm 1999-2000 về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, có thể nói, về căn bản, khi về nước bà con kiều bào đã được hưởng chính sách một giá như đồng bào ở trong nước. Nghị định 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ hướng dẫn triển khai trên thực tế các quy định mới của Luật đất đai về việc người Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thực hiện một chính sách ổn định, lâu dài nhằm thu hẹp, tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam ở trong nước. Năm 2002, một số người đã về nước mua nhà, ổn định cuộc sống. Ngày 28/6/2002, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan khẩn trương thi hành các giải pháp thúc đẩy công tác thông tin, tăng cường cung cấp các sản phẩm văn hoá và cử các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài phục vụ kiều bào. Đáng chú ý là kênh truyền hình VTV4 đã phủ sóng đến tất cả các khu vực có nhiều người Việt Nam sinh sống. Hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai kế hoạch đưa chương trình VTV4 vào hệ thống truyền hình cáp ở một số địa bàn để giúp bà con tiếp cận dễ dàng hơn với phương tiện này. Chúng ta cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án truyền hình qua mạng internet phục vụ cộng đồng.

     Ngày 30/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao (gọi tắt là Quỹ hỗ trợ cộng đồng). Quỹ hỗ trợ cộng đồng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập vào xã hội và đất nước cư trú, giúp bà con ổn định cuộc sống, giữ gìn truyền thống dân tộc và hướng về quê hương.

     Năm 2002 còn đánh dấu sự ra đời của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, một tổ chức xã hội rộng mở làm cầu nối giữa những người xa quê với đồng bào trong nước. Hoạt động của Hội thân nhân kiều bào ở các địa phương trong nhiều năm qua góp phần làm cho tình cảm của những người ở quê nhà với những người đi xa càng thêm gắn bó.

     Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho các thành phần kinh tế hoạt động đầu tư, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các doanh nhân Việt kiều khi đầu tư về nước được đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, có quyền lựa chọn hình thức đầu tư, quy mô đầu tư và đối tác của dự án để đầu tư và được hưởng những ưu đãi theo quy định của luật. Gần đây Bộ Ngoại giao đã ban hành Quy chế khen thưởng kiều bào có thành tích phát triển cộng đồng và trong xây dựng đất nước, góp phần động viên bà con tham gia tích cực và có hiệu quả hơn vào việc củng cố cộng đồng, hướng về cội nguồn và tham gia xây dựng quê hương.

       Tuy nhiên, công tác vận động và thu hút các nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước còn hạn chế: về quy mô chưa bao quát hết các bộ phận cộng đồng kiều bào ở nước ngoài ; về phương thức còn đơn điệu, hình thức; về hiệu quả còn chưa xứng với tiềm năng và nguyện vọng của Việt kiều, đặc biệt đầu tư trực tiếp của Việt kiều về nước trên thực tế ít hơn dòng vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài, nguồn lực chất xám và các quan hệ cầu nối của Việt kiều còn chưa được khai thác bao nhiêu… Nhiều chính sách đã ban hành chưa thể hiện đầy đủ hoặc chậm triển khai tư tưởng chỉ đạo mà Trung ương Đảng đã đề ra, điển hình là vấn đề mua và sở hữu nhà ở của Việt kiều. Tính khả thi trong một số chính sách cụ thể còn thấp. Mặt khác, các chủ trương, chính sách đã ban hành cần đồng bộ, nhất quán, cần có thêm những quyết sách mạnh mẽ và lâu dài hơn; cũng như cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc ở tất cả các ngành, các cấp, các địa phường, thể hiện đúng tinh thần coi đồng bào ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc, thu hẹp và tiến tới xoá bỏ sự phân biệt đối xử trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, quan tâm thiết thực đến việc giải quyết những nguyện vọng bức xúc của kiều bào, nhất là mong muốn được Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng khi bà con đang ở nước ngoài, cũng như khi nhập cảnh về trong nước; tạo mối giao lưu bình thường về văn hoá giữa cộng đồng và đất nước, chuyển tải thông tin và các sản phẩm văn hoá, nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài phục vụ cộng đồng, giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển tiếng mẹ đẻ; cho phép tự do và tạo thuận lợi xuất - nhập cảnh thăm gia đình, quê hương, sửa sang lại mồ mả của thân nhân là binh lính chế độ Sài Gòn cũ chết trận, tăng thêm sự hiểu biết về sự đổi mới của đất nước…Đặc biệt, trong thời gian tới cần tập trung vào các trọng tâm chính sách sau:

     Thứ nhất, tiếp tục phát triển và hoàn thiện cơ sở luật pháp quốc tế thông qua các hiệp định, thỏa thuận ký kết song phương và đa phương chính thức với các nước và tổ chức quốc tế trên thế giới, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản, an ninh, cư trú-đi lại, kinh doanh và văn hóa tinh thần của toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để kiều bào phát triển ổn định, hội nhập an toàn, lành mạnh và hiệu quả vào đời sống nước sở tại, phát huy vai trò cầu nối hữu nghị giữa các nước với Việt Nam…Tăng cường chức năng và quy chế trách nhiệm cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam, Đại diện thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực và vấn đề có liên quan đến bảo vệ quyền lợi chung, cũng như tổ chức thu hút các nguồn lực của toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…Giành ưu tiên đặc biệt hỗ trợ Nhà nước tạo thuận lợi cho việc đảm bảo quyền cư trú hợp pháp và xây dựng các Làng, các Trung tâm kinh doanh-thương mại và thiết chế văn hóa xã hội riêng, thuần Việt tập trung (nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa và cả chùa chiền, nơi thờ tự tâm linh) phục vụ cộng đồng kiều bào ở các nước có đông người Việt Nam định cư…

     Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng và với trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”. Đa dạng hóa các hoạt động thiết thực thu hút đóng góp của các cộng đồng vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, như tổ chức “Hội nghị trí thức kiều bào với sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước”, Hội nghị “Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của Việt Nam”; các cuộc gặp gỡ giao lưu “Nối vòng tay lớn”; thành lập các câu lạc bộ trí thức kiều bào, các Hiệp hội doanh nhân kiều bào ; xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao về quản lý và khoa học công nghệ nhằm khuyến khích trí thức, doanh nhân kiều bào trực tiếp đóng góp chất xám, hợp tác làm ăn với trong nước, thu hút đầu tư, kiều hối, chuyển giao công nghệ, phát huy vai trò của kiều bào trong đào tạo và cầu nối thương mại; xây dựng những đầu mối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

       Thứ ba, tích cực hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ồn định và phát triển, giữ gìn bản sắc dân tộc thông qua việc mở rộng các hoạt động giao lưu nhiều mặt văn hoá, giáo dục, thể dục - thể thao, từ thiện... giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tiếp tục tổ chức Trại hè, mở các lớp tiếng Việt cho thanh thiếu niên kiều bào; hỗ trợ xây dựng trường học, cung cấp sách giáo khoa, sáng tác và cung cấp các tác phẩm âm nhạc quê hương đáp ứng nhu cầu giải trí văn hóa của những người xa xứ...Tạo thuận lợi để thể hệ trẻ kiều bào về nước hoạt động tình nguyện, hiểu biết hơn về cuội nguồn, đất nước Việt Nam, tạo điều kiện cho kiều bào tham gia vào các tổ chức, đoàn thể và hoạt động chính trị- xã hội-văn hóa lớn của đất nước, cũng như tham gia góp ý và phản biện chính sách phát triển đất nước nói chung, có liên quan đến Việt kiều nói riêng. Quan tâm đáp ứng những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của kiều bào, như thị thực nhập xuất cảnh, mở rộng đối tượng bảo lãnh hồi hương, mở rộng đối tượng được mua nhà, rút ngắn thời gian giải quyết thôi quốc tịch và cho phép kiều bào có hai quốc tịch, giải quyết tốt các vấn đề tâm linh, nhân đạo khác.

     Khuyến khích cộng đồng phát huy vai trò cầu nối hữu nghị và quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế, xây dựng cộng đồng vững mạnh, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, làm sao để mỗi cộng đồng, mỗi thành viên trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là một đại sứ thiện chí, là cánh tay nối dài của Việt Nam với các nước bè bạn năm châu...

       Thứ tư, tăng cường nghiên cứu đánh giá cụ thể tình hình cộng đồng của từng nước, từng khu vực, thúc đẩy công tác thông tin, khen thưởng nhằm động viên khuyến khích các nhân tố, cá nhân, tập thể tích cực trong xây dựng cộng đồng và có nhiều đóng góp với đất nước; đồng thời, có nhiều biện pháp đấu tranh với các âm mưu và hoạt động phá hoại sự đoàn kết và an ninh cộng đồng của một số người Việt cực đoan ở nước ngoài.

       Phổ biến quán triệt rộng rãi đến mọi cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, để mọi người hiểu rõ ý nghĩa chính trị quan trọng và những quan điểm cơ bản của Đảng trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa trong nước và ngoài nước, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng rộng rãi để thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách đã ban hành.

    Đặc biệt, tiếp tục củng cố tổ chức và nhân sự của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường biên chế làm công tác cộng đồng ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi có đông người Việt sinh sống; tăng cường kinh phí, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo cơ chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban và các địa phương, các bộ, ngành, giữa trong nước và ngoài nước.

      Việc ban hành kịp thời và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách mới cần thiết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kiều bào yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, nâng cao ý thức cộng đồng, tinh thần tự trọng và tự hào, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, cũng như tạo nên sự đồng thuận giữa đồng bào ở trong nước và đồng bào ở ngoài nước để thực hiện thắng lợi những mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”. Đó cũng là yêu cầu bức thiết và nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của nội dung công cuộc đổi mới và hội nhập trong tình hình mới của Việt Nam./.

 

                                                                                                  Ts. Nguyễn Minh Phong - Dương Quỳnh Chi

                                                                                                  Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

                                                                                                                     DT.0912266399

 

In bài viết nàyIn bài viết