Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Khái quát chính sách tiền tệ và Diễn biến tiền tệ ở Việt Nam giai đoạn từ năm 2000 đến nay


  1. Một số động thái chính sách và diễn biến tiền tệ chủ yếu từ năm 2000-nay

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND nhìn chung thấp, trừ những năm 2008 và 2009. Tháng 8/2000, cơ chế điều hành lãi suất cho vay bằng VND được chuyển từ cơ chế trần lãi suất sang lãi suất cơ bản; Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng, giảm phù hợp mục tiêu điều tiết lượng vốn huy động và cho vay tín dụng hàng năm. Năm 2001, lãi suất từng bước được điều hành theo hướng tự do hóa và phù hợp với mục tiêu CSTT. Từ năm 2003, việc điều hành CSTT chuyển biến theo hướng nới lỏng một cách thận trọng. Lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh dần là lãi suất trần; lãi suất chiết khấu được điều chỉnh là lãi suất sàn của thị trường; lãi suất nghiệp vụ thị trường mở được được điều chỉnh linh hoạt trong khoảng giữa lãi suất tái cấp vốn với lãi suất chiết khấu. Từ tháng 1/2005- 8/ 2008, NHNN đã tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhằm thắt chặt hơn tiền tệ, qua đó kiểm soát lạm phát đang có xu hướng gia tăng. Từ ngày 21/10/2008 lãi suất cơ bản của NHNN được điều chỉnh giảm, lãi suất cho vay tối đa bằng VND của các TCTD đối với khách hàng (150% lãi suất cơ bản) cũng giảm tương ứng; Trong 6 tháng đầu năm 2008, lãi suất huy động USD được điều chỉnh tăng với mức lãi suất huy động USD cao nhất là 7-8%/năm; Lãi suất cho vay USD cũng tăng lên khoảng 2-2,5%/năm so với đầu năm 2008 (lãi suất cho vay phổ biến khoảng 9-9,5%/năm). Sau đó liên tục giảm từ 2- 3%/năm giảm dần

Trước tín hiệu khả quan về kiềm chế lạm phát, từ cuối năm 2008, và nhất là những tháng đầu năm 2009, NHNN đã từng bước nới lỏng CSTT, góp phần thực hiện chính sách kích cầu (nổi bật là hỗ trợ 4% lãi suất cho vay của NHTM) của chính phủ, để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và chủ động ngăn ngừa nguy cơ suy giảm kinh tế…

Dự trữ bắt buộc được điều chỉnh hàng năm tăng hoặc giảm cả về khối lượng, diện phải DTBB và lãi suất tiền gửi nhằm khống chế mức vốn khả dụng của các NHTM. Tháng 5/2001 tăng tỷ lệ DTBB bằng ngoại tệ lên 15%, giảm tỷ lệ DTBB bằng VND xuống 3%; th.11/2001 giảm tỷ lệ DTBB bằng ngoại tệ xuống còn 10%. Từ năm 2003, các TCTD được tính cả tiền gửi DTBB tại các chi nhánh NHNN, đây là bước khởi đầu cho việc thực hiện mục tiêu tăng cường khả năng điều tiết tiền tệ của công cụ này. Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháng 2/2008 NHNN điều chỉnh tăng 1% tỷ lệ DTBB đối với tất cả các kỳ hạn, áp dụng cho cả tiền gửi VND và ngoại tệ đối với hầu hết các TCTD (trừ NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, và một số TCTD hợp tác và NHTMCP nông thôn). Đồng thời mở rộng đối với loại tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên (trước đây chỉ bao gồm tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 24 tháng) nhằm nâng cao khả năng điều tiết công cụ DTBB. Những tháng cuối năm, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, NHNN đã điều chỉnh giảm tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi bằng VND từ 11% xuống 6% và tiền gửi bằng ngoại tệ từ 11% xuống 7%.

     Tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng nhẹ, nhưng nhìn chung được giữ tương đối ổn định trong thời gian dài. Đặc biệt, riêng năm 2006 tỷ giá VND/USD lần đầu được điều hành thử nghiệm theo cơ chế tỷ giá thả nổi thận trọng, có quản lý, thực hiện can thiệp mua bán ngoại tệ trên thị trường theo mục tiêu điều hành. Tỷ giá VND/USD trong năm 2008 được điều hành một cách linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, kịp thời bám sát các diễn biến trên thị trường, có chính sách điều hành tỷ giá thích hợp. Trong năm 2008, NHNN đã 3 lần mở rộng biên độ tỷ giá giao dịch giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, đưa biên độ tỷ giá từ ±0,75% lên ±1%, ±2% và ±3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Từ ngày 25/12/2008, NHNN đã thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng tăng 3% lên mức 16.989 đ/USD.

     Nghiệp vụ thị trường mở (khai trương tháng 7/2000), đã góp phần điều chỉnh vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng. Từ năm 2004, Nghiệp vụ thị trường mở được tăng cường sử dụng như một công cụ chủ yếu điều tiết tiền tệ, không chỉ khắc phục hiện tượng mất cân đối cung cầu ngoại tệ, mà còn tạo điều kiện cho NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện hàng ngày, chủ yếu được thực hiện theo phương thức đấu thầu khối lượng, công bố lãi suất. Trong năm 2007, nghiệp vụ thị trường mở đã có những đổi mới như cố định phiên mua, thay đổi phương thức đấu thầu nhằm bám sát mục tiêu điều hành CSTT và diễn biến vốn bằng VND của các TCTD. Tổng doanh số giao dịch trên thị trường này tăng nhanh và liên tục qua các năm (năm 2004 đạt 61.936 tỷ đồng, bằng khoảng 3 lần năm 2003, năm 2005 tăng 65,5% so với năm 2004, năm 2006 tăng 45% so với năm 2005, năm 2007 tăng 113% so với năm 2006; năm 2008 doanh số giao dịch tăng khoảng 25% so với năm 2007…)

Nhờ những chính sách phù hợp nêu trên, về tổng thể, tình hình thị trường tiền tệ trong nước được giữ ổn định, không có đột biến lớn (trừ lạm phát cao năm 2007-2008), mặc dầu lãi suất và tỷ giá có những diễn biến phức tạp; hiện tượng găm và gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ cao. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng thường ở trong tình trạng cầu ngoại tệ lớn hơn cung (trừ những tháng đầu năm 2008); Tổng phương tiện thanh toán và tốc độ trăng trưởng tín dụng hàng năm tăng liên tục với tốc độ khá cao (so năm trước thì năm 2001 tổng phương tiện thanh toán và tốc độ trăng trưởng tín dụng tăng 25,53% và 21,44%. Năm 2002, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,7%; tốc độ huy động vốn tăng 19,4%. Năm 2004 tổng phương tiện thanh toán tăng 30,39%, năm 2006 tăng 33,59% và năm 2007 tăng 46,12%. Năm 2007, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng tăng 53,89% so với năm 2006, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 36,53% của năm 2006, mức 32,08% của năm 2005 và mức tăng 41,65% của năm 2004. Năm 2008, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng chỉ còn tăng 25,43%, tăng trưởng huy động vốn đạt 22,87%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 47,64% của năm 2007, trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 21,38%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 53,99% của năm 2007. Huy động bằng ngoại tệ tăng 27,74%, giảm nhẹ so với mức 29,66% của năm 2007. Đặc biệt, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán năm 2001 là 23,7%, năm 2002 là 22,56%, năm 2003 là 22,03%, năm 2004 là 20,35%, năm 2005 là 19,01%, năm 2006 là 17,21%, năm 2007 là 16,36% và năm 2008 là 14,6% - Điều này cho thấy cơ cấu tổng phương tiện thanh toán ngày càng được cải thiện theo hướng giảm dần tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế…

  1. II. Một số nhận xét về chính sách và diễn biến thị trường tiền tệ

Qua xem xét tổng thể các động thái chính sách và diễn biến tiền tệ nước ta trong thời gian qua, có thể thấy:

Thứ nhất, nhìn chung, trong suốt gần mười năm qua, tư tưởng chủ đạo trong chính sách tiền tệ của Việt Nam là có tính đan xen giữa mở rộng thận trọng và thắt chặt linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể mang tính ngắn hạn, còn các công cụ chính sách tiền tệ ngày càng đa dạng và được NHNN điều hành khá mềm dẻo, đồng bộ, ngày càng phù hợp cơ chế và bám sát các tín hiệu thị trường, đồng thời ngày càng phù hợp xu thế vận động chung của chính sách tiền tệ khu vực, cũng như thế giới, biểu hiện rõ nét nhất trong chính sách kích cầu năm 2009.

Thứ hai, chính sách tín dụng được sử dụng tích cực và năng động hơn chính sách lãi suất và tỷ giá. Nói cách khác, trọng tâm của chính sách tiền tệ là nghiêng về sử dụng công cụ tăng tổng mức và dư nợ tín dụng, chứ không phải là công cụ lãi suất và tỷ giá;

Thứ ba, tuy vậy, trong những năm gần đây, công cụ lãi suất được sử dụng mềm dẻo và tích cực hơn, còn công cụ tỷ giá vẫn có tính ổn định cao nhất… Điều này ít nhiều có ảnh hưởng 2 mặt đến sự thăng trầm đột ngột của thị trường tiền tệ, nhất là thị trường ngoại hối trong năm 2008 và 2009. Thực tế cho thấy, dòng ngoại tệ tập trung được và sự căng thẳng ngoại tệ ở ngân hàng thường tỷ lệ nghịch về xu hướng và gắn với sự neo giữ tỷ giá chính thức trong những thời điểm tương ứng.

Thứ tư, thị trường tiền tệ Việt Nam nhìn chung vẫn giữ được ổn định về tổng thể, song chưa thực sự phát triển đồng bộ, cân đối, mang tính thị trường cao, nhất là thị trường liên ngân hàng, cũng không tránh khỏi những thời điểm nhậy cảm và thăng trầm ngắn hạn..;

Thứ năm, thực tế cho thấy, điều quan trọng và đóng góp lớn nhất của chính sách tiền tệ vào sự ổn định và phát triển của đất nước là tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, giảm các chi phí vốn cho doanh nghiệp và cung ứng kịp thời các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước trong phạm vi an toàn tín dụng cho phép. Yêu cầu này cần được tiếp tục trong thời gian tới, với việc sử dụng đồng bộ hơn các công cụ của chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách tỷ giá và lãi suất theo hướng thị trường và mềm hơn…/.

 

                                                                                                Hoàng Ngọc Anh Cương-DT.0904560822

                                                                                      Phòng nghiên cứu Tiền tệ - Ngân hàng trong nước

                                                                                     Viện Chiến lược và Chính sách ngân hàng - NHNN

In bài viết nàyIn bài viết