Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Đặc điểm và tiềm lực Việt kiều trong sự nghiệp phát triển Đất nước


Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều) được hình thành từ nhiều nguyên nhân và từ nhiều nguồn khác nhau, ngày càng đông đảo, đa dạng, phân bố không đồng đều và lan tỏa rộng ra nhiều nước trên thế giới.

Là một cộng đồng trẻ, kết quả của những biến cố lịch sử đất nước và quốc tế trong vòng gần 1/2 thế kỷ nay, đặc biệt từ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từ các kênh bảo lãnh đoàn tụ người thân, du học, du lịch, kết hôn có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động chính thức và không chính thức…, số lượng và cơ cấu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng gia tăng và đa dạng hóa, địa bàn sinh sống ngày càng lan tỏa khắp thế giới. Trước năm 1975 mới có khoảng 150 nghìn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, chủ yếu là một số nước láng giềng, Pháp và các lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài tăng lên nhanh chóng và đã trở thành một cộng đồng đáng kể. Ước tính hiện có khoảng hơn 3,3 triệu người định cư, làm ăn sinh sống ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở 21 nước (98%), chủ yếu là ở các nước công nghiệp phát triển (80%), trong đó ở Mỹ là 1.418.334 thời điểm năm 2005 theo thống kê chính thức về dân số của chính phủ Mỹ; Pháp 300.000; Ô-xtrây-li-a 250.000; Ca-na-đa 200.000… Để so sánh, thời điểm năm 2005, trên cả 5 Châu lục tổng cộng có 72 nước và vùng lãnh thổ có số dân ít hơn tổng số người Việt Nam định cư ở nước ngoài; có 58 nước và vùng lãnh thổ có số dân bằng hoặc ít hơn tổng số người Việt Nam tại Hoa Kỳ ; có 34 nước và vùng lãnh thổ có số dân ít hơn tổng số người Việt Nam tại Pháp; có 27 nước và vùng lãnh thổ có số dân bằng hoặc ít hơn số người Việt Nam tại Oxtrâylia và Canada; có 16 nước và vùng lãnh thổ có số dân ít thua số người Việt Nam tại Trung Quốc (180.000), tại Campuchia (130.000), tại Đài Loan (120.000), tại Thái Lan (110.000), tại Đức (100.000) hoặc tại Nga (100.000)…

   Số lượng Việt kiều trên thế giới trong 10 năm qua có sự giảm bớt ở 54 nước (trong đó giảm mạnh nhất ở Trung Quốc; Hồng Kông; Bắc Triều Tiên; Mông Cổ...) và tăng lên đáng kể trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thứ tự ở Mỹ, Đài Loan, Ôxtrâylia, Canađa, Campuchia, Lào, Séc, Anh, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Zilân, Thụy Sỹ, Italia, Macao…

     Tổng số kiều dân Việt Nam tại hai nước Mỹ và Canađa đã chiếm ngót 1/2 tổng số kiều dân Việt Nam trên toàn thế giới.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định, hội nhập và tiếp thu các giá trị văn hoá sở tại, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

     Ra đi trong những thời điểm lịch sử, hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, mặc dù còn có nhiều vấn đề phức tạp, nhưng nhìn chung cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã cố gắng vượt qua những khó khăn, ngày càng phát triển, hội nhập và được chính quyền sở tại đánh giá cao. Khoảng 2/3 tổng số kiều bào ta đã nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Sợi dây tình cảm mà các thế hệ trước duy trì với quê cha đất tổ nay vẫn được giữ gìn trong lòng thế hệ kế tiếp. Tại các nước phương Tây, cuộc sống của Việt kiều tương đối ổn định, mặc dù mức độ hội nhập về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục... đều thấp hơn so với các cộng đồng người Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Các nhà khoa học Việt Nam có tên trên hầu hết các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhiều nhà kinh doanh Việt được liệt vào hàng thành đạt. Rất nhiều kiều bào ta thuộc các thế hệ thứ 2, thứ 3 đã có vai trò, vị trí ngày càng cao trong xã hội. Một số người Việt ở Mỹ, Ô-xtrây-lia...đã được bổ nhiệm vào những chức vụ có ảnh hưởng nhất định trong chính quyền địa phương và trung ương, như Trợ lý Bộ trưởng, Thành viên trong Nhóm cố vấn của Tổng thống, Nghị sĩ bang và tiểu bang, Ủy viên Hội đồng hoặc các Ủy ban tham mưu cố vấn trong hậu trường mọi cấp, từ chính phủ liên bang, tiểu bang, thành phố, quận, hạt…

      Cuộc sống của người Việt Nam ở khu vực Đông Âu và Liên Xô cũ đã có những phát triển nhất định cả về tiềm lực vật chất, sự bắt rễ về pháp lý và gắn kết về đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng (có nơi như ở Ucraina còn xây dựng cả Trung tâm thương mại, trường học và Chùa Việt Nam), nhưng chưa ổn định sâu như ở các nước Mỹ và Tây Âu. Do nhiều người không có ý định lập nghiệp lâu dài, dòng người nhập cư mới từ Việt Nam tiếp tục vào khu vực này, và do cả chính sách tăng cường quản lý người nước ngoài của các chính quyền sở tại, làm cho cộng đồng thêm phức tạp, khó khăn, nhất là về địa vị pháp lý và an ninh cộng đồng, khiến bà con không yên tâm làm ăn và ít nhiều có ảnh hưởng đến quan hệ của cộng đồng người Việt với chính quyền và nhân dân địa phương.

     Cuộc sống của bà con người Việt ở các nước láng giềng, nhất là ở Lào và Trung Quốc đang có điều kiện phát triển thuận lợi và ổn định. Chính quyền Thái Lan đã giải quyết cho những người thuộc thế hệ 2, 3 nhập quốc tịch Thái Lan và cấp giấy tờ định cư cho những người thuộc thế hệ 1. Ở Căm-pu-chia, tuy đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng gần đây cuộc sống tinh thần của Việt kiều đã được cải thiện.

     Các cộng đồng người Việt hình thành từ năm 1975 trở lại đây phần lớn mới có 2-3 thế hệ, nhưng thế hệ sinh trưởng ở nước ngoài cũng đang ngày càng ít nói được tiếng Việt. Ở một số nước như Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-lia, Pháp, Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Anh, Đức, Nga, Séc, Ucraina... người Việt Nam sinh sống và làm ăn tập trung thành những khu vực, thị trấn, khu phố riêng, nên tạo được môi trường thuận lợi cho việc gìn giữ tiếng Việt, bản sắc dân tộc và các sinh hoạt truyền thống. Các sinh hoạt cộng đồng, nhất là việc dạy tiếng Việt, chủ yếu do các hội đoàn hoặc gia đình Việt Kiều tự tổ chức. Tuy vậy, nhiều gia đình phải vật lộn kiếm sống và ít có cơ hội về nước, nên chưa có điều kiện chăm lo giữ gìn các giá trị văn hoá Việt Nam. Trong các gia đình 3-4 thế hệ thường có hiện tượng ông bà, bố mẹ còn nói với nhau bằng tiếng Việt, nhưng con cháu nói được rất ít hoặc chỉ nghe hiểu mà không nói, không viết được tiếng Việt. Thực tế cho thấy, nhu cầu giao lưu văn hóa giữa cộng đồng với đất nước, nhu cầu giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngày càng trở nên bức xúc.

     So với nhiều cộng đồng kiều dân khác trên thế giới, thì nét đặc thù của một bộ phận Việt kiều là ít nhiều còn mặc cảm với quá khứ, còn thành kiến, thậm chí hận thù với cuộc sống ở trong nước vì những lý do cá nhân và chưa có điều kiện tiếp cận với những thông tin trung thực về sự đổi thay ở quê nhà, nhất là đối với một bộ phận trong số những người ra đi trong khoảng từ cuối tháng 4/1975 đến giữa những năm 1980. Ngoài ra, tại một số nơi tập trung đông người Việt Nam sinh sống, tính liên kết cộng đồng chưa cao, sự gắn bó tương trợ nhau còn yếu. Tuy nhiên, cùng với năm tháng và thực tiễn mở cửa, hội nhập và đổi mới, tình yêu quê hương đất nước và sự gắn bó cội rễ «  máu đỏ, da vàng » của cộng đồng những người con xa xứ sẽ ngày càng đậm dần và sẽ ngày càng nhạt nhòa đi những định kiến, ngộ nhận và hành vi cực đoan về một thời đã qua

     Nhìn chung, hầu hết Việt kiều đều tránh dính líu đến các hoạt động chính trị quá khích ở các nước sở tại, vui mừng ủng hộ và ngày càng tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, cần cù làm ăn và khi có điều kiện thì về nước thăm thân nhân, giúp gia đình, đi du lịch hoặc tìm hiểu cơ hội đầu tư, hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam…Ngày càng quan tâm đến chính sách của Nhà nước đối với Việt kiều, đa số kiều bào ở các nước, nhất là Mỹ, hoan nghênh và ủng hộ Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và việc Việt Nam gia nhập WTO. Nhiều người, nhất là giới trẻ, hăng hái thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc giới thiệu các đối tác nước ngoài vào Việt Nam làm ăn. Các Hội người Việt Nam và các tổ chức nghề nghiệp, đồng hương, từ thiện ở Pháp, Bỉ, Nhật, Đức, Ô-xtrây-lia... đang có những hoạt động đóng góp thiết thực hướng về đất nước. Người Việt Nam ở nước ngoài luôn khát khao tình cảm quê hương đất nước bản địa, cần một ngôi nhà chung đó là Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại, cần có thông tin từ trong nước để hiểu hơn về đất nước Việt Nam và luôn muốn có quan hệ với các đồng nghiệp và cùng trang lứa, nhất là thanh niên Việt Nam. Giữ được những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước, thương nòi, có thể thấy rằng tuyệt đại đa số đồng bào ta ở nước ngoài, dù trước đây ra đi trong hoàn cảnh nào và hiện nay cách nhìn, chính kiến còn có những mặt khác nhau, nhưng trong tâm khảm của mỗi người vẫn luôn sống động tinh thần tự tôn dân tộc, luôn mong muốn đất nước giàu, mạnh, sánh vai với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới...

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm năng kinh tế và tri thức ngày càng to lớn.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn phát triển, năng động và là nguồn lực hợp thành, quý báu của đất nước, trong đó bao gồm nguồn vốn và con người, đặc biệt là tài nguyên trí thức.

Về tri thức, theo thống kê chưa đầy đủ của riêng những nước phát triển có đông người Việt định cư như Mỹ, Úc, Pháp…thì hiện cộng đồng người Việt có hơn 300.000 người người trình độ cử nhân, khoảng 6.000 người có trình độ tiến sĩ (so với khoảng 16000 tiến sỹ đang sống và làm việc trong nước thì tỷ lệ tiến sỹ/đầu dân của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là 2/1000, cao hơn khoảng 10 lần trong nước). Riêng ở Mỹ, con số có bằng đại học chiếm 30%, trên 10% có trình độ cao học trở lên và tại thung lũng Silicon có khoảng 10.000-12.000 người Việt Nam đang làm việc. Hàng trăm trí thức Việt kiều có tên tuổi được quốc tế và khu vực đánh giá cao ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như toán học, vật lý, tài chính, hoá học, CNTT, thiên văn học, nghệ thuật và tự động hoá… Hàng trăm nghìn nhà khoa học, kỹ thuật, kinh tế, doanh nghiệp được đào tạo và bươn trải tại các nước công nghiệp phát triển, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm tiến tiến. Một thế hệ trí thức mới những người gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, nhất là ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu và Ô-xtrây-li-a, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, chứng khoán… Họ từng bước thay thế lớp lớn tuổi, thay đổi cơ cấu cộng đồng, có cái nhìn đúng mực khách quan hơn về tình hình đất nước, đang và sẽ trở thành đối tác đầy tiềm năng, thành nguồn lực bổ sung quan trọng và tin cậy của quá trình CNH-HĐH đất nước trong một tương lai không xa…

Về kinh tế, dù đời sống của phần lớn kiều bào ta còn ở mức trung bình thấp hoặc trung bình so với người dân sở tại, số người giầu có theo tiêu chuẩn của các nước này còn rất ít, còn các doanh nghiệp do Việt kiều làm chủ mới đủ sức phục vụ nội bộ cộng đồng là chính, song ước tính tổng thu nhập của cộng đồng hơn 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có thể lên tới hơn 40 tỷ USD/năm, tức bằng khoảng 40% tổng GDP hàng năm của trên 83 triệu dân trong nước hiện nay. Ở Mỹ năm 2005, bình quân thu nhập đầu người trong cộng đồng Việt kiều là 21000 USD so với mức trung bình 25000 USD/người cả nước Mỹ. Cộng đồng người Việt ở Mỹ đóng góp tới khoảng 32 tỷ USD vào thu nhập quốc dân của Mỹ trong năm này (tức bằng khoảng 40% tổng GDP của Việt Nam trong cùng thời điểm so sánh). Nói cách khác, dù chỉ chiếm 0,5% dân số Mỹ, nhưng Việt kiều ở Mỹ tạo ra 4,5% tổng sản lượng bình quân đầu người trên đất Mỹ, nghĩa là 1 người Việt kiều ở đây có sức đóng góp bằng 9 người Mỹ bình thường. Ở nhiều nước khác trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển và Đông Âu, số lượng triệu phú đôla người Việt ngày càng nhiều…Có thể nói, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng trở thành một trong những lực lượng kinh tế quan trọng, nếu được phát huy, sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước.

 

                                                                                                  Ts. Nguyễn Minh Phong - Dương Quỳnh Chi

                                                                                                  Viện nghiên cứu phát trỉên KT - XH Hà Nội

                                                                                                                          DT.0912266399

In bài viết nàyIn bài viết