Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Một số tác động và bài học từ khủng hoảng tài chính Mỹ


Từ sự bùng nổ những khoản cho vay ‘dưới chuẩn” và những phát triển quá mức của các công cụ nợ phái sinh trên thị trường bất động sản, khiến hàng loạt gã khổng lồ - các ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ với tài sản hàng trăm tỷ USD và kinh nghiệm hoạt động hàng trăm năm có dư - trên thị trường tài chính Mỹ bị phá sản nhanh chóng, tạo làn sóng khủng hoảng tài chính - ngân hàng toàn cầu, gây tổn phí hàng ngàn tỷ USD và sự hệ lụy của nó chỉ có thể so với cơn đại suy thoái những năm 1930 của Mỹ…Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Bush đã đặt bút ký để chính thức chuyển dự luật thành đạo luật 700 tỷ USD giải cứu thị trường….cả Nga, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang triển khai những kế hoạch tương tự, đầy tốn kém…

   Tại sao một nền kinh tế lớn như Mỹ, có kinh nghiệm trong điều hành và xử lý khủng hoảng, có hệ thống tài chính, luật pháp minh bạch và chặt chẽ, có hệ thống cảnh bảo sớm đối với các vấn đề ruỉ ro tài chính, lại để xảy ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ như vậy? Có thể nói gì về những tác động và bài học nào cho Việt Nam từ cuộc khủng hoảng này?

Từ đặc điểm và tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ…      

Trên thực tế và ở mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ có sự tương đồng về nguyên nhân trực tiếp giống như cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ của Châu Á, khởi đầu từ Thái Lan những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đó là cả 2 cuộc khủng hoảng tài chính này đều có cùng nguyên nhân khởi đầu cơ bản là sự tập trung thái quá những khoản đầu tư với lãi suất rẻ và điều kiện tín dụng dễ dãi "dưới chuẩn” vào thị trường bất động sản, đồng thời có sự bùng nổ các công cụ nợ phái sinh trên thị trường này, nhằm thu các khoản lợi nhuận cơ hội, từ đó làm mất khả năng thanh toán của các khoản nợ đáo hạn khi thị trường bất động sản đảo chiều, đình trệ, các bất động sản xuống giá, dẫn đến những đổ vỡ nhanh chóng trên thị trường tín dụng, dù có thể dự báo trước.

   Cũng có một điểm chung giữa Việt Nam và Mỹ là sự tập trung các khoản vay bất động sản trong tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, nhưng nguy cơ đổ vỡ trên thị trường này ở Việt Nam không đậm và trực tiếp như ở Mỹ…Trong năm 2006 và 2007, các ngân hàng thương mại trong nước đã cho vay đầu tư bất động sản khá cao, có lúc, có ngân hàng các khoản cho vay này chiếm tới 25-30% tổng dư nợ tín dụng, thậm chí cao hơn…Tuy nhiên, điều này đã được cảnh báo sớm và đã được giảm thiểu trong thời gian gần đây, cả do sự điều hành tích cực của Chính phủ và NHNN, cũng như do tự nhận thức của các ngân hàng thương mại và sự hồi tỉnh của các nhà đầu tư…Hiện tại, nhìn chung tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản trong tổng dư nợ ngân hàng đã được khống chế ở mức an toàn, cỡ khoảng 10-15%, thậm chí thấp hơn. Trên thực tế, trong năm 2008 hạn ngạch tín dụng cho vay bất động sản và chứng khoán của khu vực ngân hàng ở Hà Nội còn dư hàng ngàn tỷ đồng so với mức mà NHNN cho phép. Trên bình diện cả nước, tình hình cũng như vậy…Hơn nữa, có sự khác nhau đáng kể trong kinh doanh trên thị trường bất động sản Việt Nam và Mỹ, cũng như so với các thị trường kinh doanh các hàng hóa và dịch vụ thông thường khác, mà trước hết là:

     - Việt Nam là nước đất chật, người đông, trong khi Mỹ thì ngược lại, dân số của họ năm 2007chỉ 275 triệu người (gấp 3,3 lần Việt Nam), nhưng diện tích của đất nước này là 9.372.614 km2 (rộng gấp khoảng 28 lần nước ta); hơn nữa, nhu cầu về nhà ở và mặt bằng kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng tăng, nên đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam ít rủi ro hơn ở Mỹ vì độ an toàn về cung - cầu trong triển vọng trung và dài hạn là rất cao;

     - Kinh doanh bất động sản ở Việt Nam thường là “mua đứt - bán đoạn”, "tiền tươi - thóc thật”, thanh toán một lần, không phổ biến việc thu hồi nợ kiểu “trả chậm" tới hàng chục năm như ở Mỹ; thị trường các công cụ nợ phái sinh trên thị trường bất động sản Việt Nam lại chưa phát triển mạnh như Mỹ, nên các ngân hàng có thể thu hồi vốn vay trong thời gian ngắn, tăng khả năng kiểm soát được rủi ro…

     - Các nhà đầu tư bất động sản ở Việt Nam thường là các doanh nghiệp hoặc tổ chức có chức năng hoặc khả năng độc quyền quan hệ “xin dự án” kinh doanh bất động sản; hơn nữa, do chính sách “2 giá” trong các giao dịch bất động sản, nên hầu hết các dự án kinh doanh bất động sản ở nước ta do các doanh nghiệp nhà nước hoặc nước ngoài tiến hành thường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các ngành kinh doanh khác…

     Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, về nguyên tắc, không có sự chắc thắng tuyệt đối trong kinh doanh. Rủi ro luôn tồn tại trên thương trường, nhất là khi hoạt động kinh doanh bất chấp các nguyên tắc thị trường, cũng như các quy định luật pháp hiện hành; khi nhà đầu tư là những người thiếu năng lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh chuyên nghiệp, hoặc chạy theo những dự án có tính đầu cơ cao, không thuộc lĩnh vực hoạt động sở trường của nhà đầu tư. Đặc biệt, những khoản “đi đêm" giữa các chủ nợ và con nợ cả trong lập, thẩm định và triển khai dự án đầu tư - cho vay…càng làm gia tăng sự thiếu minh bạch và độ rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản.

       Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế đủ loại nào trên thị trường, thì một cuộc khủng hoảng tài chính bao giờ cũng có tính đặc thù và nguy hại nhất, vì nó khó dự báo chính xác và khó chống đỡ hiệu quả nhất, do chúng thường gắn với những bí mật kinh doanh và hiện tượng đầu cơ, cũng như do các phản ứng mang tính tâm lý, dây chuyền với các động thái cực kỳ phức tạp, nhạy cảm và có gia tốc cực nhanh. Trong xã hội mà sự phát triển thông tin và độ minh bạch càng cao, các nguyên tắc phá sản càng nghiêm ngặt như nước Mỹ và các nền kinh tế thị trường phát triển khác, thì các tính chất này càng đậm hơn. Điều này cũng lý giải vì sao các đại gia ngân hàng của Mỹ và thế giới, với tổng giá trị tài sản khổng lồ hàng trăm tỷ USD, nhưng có thể sụp đổ bất ngờ chỉ vì mất khả năng thanh khoản tại thời điểm buộc phải thanh toán các khoản nợ vài chục tỷ USD, thậm chí chỉ có vài tỷ USD như đã xẩy ra với 1ngân hàng có lịch sử gần 300 năm danh tiếng của Anh cách đây không lâu.

     Do vị thế đặc biệt của nước Mỹ (nước này chiếm ¼ tổng GDP, 1/5 tổng nhập khẩu toàn cầu, là trung tâm tài chính lớn nhất và nguồn động năng phát triển mạnh nhất của thế giới, là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam hiện nay và chiếm tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm hiện của Việt Nam, cũng là nơi có lượng Việt kiều đang cư trú đông nhất trên thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng số người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài) nên tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đến Việt Nam đang và sẽ là lớn hơn so với một số nhận định chủ quan đã đưa ra ở nhiều cấp độ, bởi lẽ:

     Thứ nhất, cuộc khủng hoảng trực tiếp làm giảm sút nguồn thu ngoại tệ do khả năng suy giảm xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ, liên quan trước hết với tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Bằng chứng đầu tiên là số liệu của Tổng cục Thống kê vừa cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 9/2008 đã giảm mất khoảng 100 triệu USD so với tháng trước, từ 920 triệu USD trong tháng 8/2008 giảm còn 820 triệu USD tháng 9/2008, mặc dù Việt Nam năm nay đã vượt Ấn Độ, để trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ lớn thứ hai thế giới, chỉ còn đứng sau Trung Quốc.

     Thứ hai, cuộc khủng hoảng có thể làm giảm sút mạnh nguồn kiều hối từ Mỹ và cả từ các nước khác có chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng này do thu nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ và các nước đó cũng bị giảm sút ít, nhiều, trực tiếp và gián tiếp.

     Thứ ba, hơn nữa, khi đồng USD mất giá do khủng hoảng thì sự tác động tiêu cực đến đồng tiền Việt Nam có thể sẽ đến cả từ 2 phía gắn với 1 trong 2 khả năng sau: Một mặt, VND sẽ bị lên giá so với USD, nếu Việt Nam chủ trương giữ vững sự ổn định tỷ giá chính thức của đồng tiền Việt Nam trong tương quan với USD. Khi đó, hàng xuất khẩu Việt Nam càng trở nên đắt đỏ và khó cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, đồng nghĩa với sự sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng thâm hụt thương mại, giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu của Việt Nam với các hệ lụy khác kèm theo… Mặt khác, ngược lại, VND sẽ tăng nguy cơ mất giá theo đồng USD, nếu Việt Nam chủ trương điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa của VND một cách mềm dẻo theo yêu cầu và tín hiệu thị trường cùng với tốc độ mất giá của USD. Khi đó, áp lực phá giá VND sẽ gia tăng, đồng nghĩa với gia tăng sức ép lạm phát trong nước- điều khá nhạy cảm trong bối cảnh hiện tại của nước ta.

     Thứ tư, ngoài ra, có khả năng dòng FDI đăng ký và thực hiện ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ ít hơn dự liệu và so với xu thế năm 2008, do các nhà đầu tư nước ngoài gặp những khó khăn về tài chính, thị trường và cả sự thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư mới, hoặc khi phải tiếp tục giải ngân, mở rộng các khoản đầu tư đang triển khai.

     Thứ năm, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ còn gây ra tác động khác đến khu vực TTCK ở 3 khía cạnh sau: Một là, gây tâm lý lo ngại chung và sự trầm lặng, thận trọng hơn trong việc ra quyết định của các nhà đầu tư; Hai là, có thể làm giảm dòng vốn nước ngoài đổ và thị trường chứng khoán do các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ hội hoặc sự hứng khởi đầu tư; Ba là, có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam – đang hoặc sẽ niêm yết trên TTCK gặp khó khăn trong kinh doanh, từ đó làm giảm sút lợi nhuận, kéo theo giảm sút thị giá chứng khoán của mình, tức giảm bớt sức hấp dẫn chung của TTCK với các nhà đầu tư…

     Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, có thể coi đây như cơ hội để phát triển TTCK nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, vì lẽ, một mặt, sẽ tăng hấp dẫn các nhà đầu tư khi TTCK Việt Nam chứng tỏ được là bản thân nó sẽ tạo chỗ trú ẩn an toàn cho vốn đầu tư trong nước và quốc tế trong bối cảnh “chiến sự”-khủng hoảng đang có chiều hướng lan tỏa ngày càng rộng hơn và chưa thể chấm dứt trong thời gian trước mắt; Mặt khác, trong khi thị trường vốn vay ngân hàng gặp khó khăn, thì các doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm kiếm vốn đầu tư từ các nguồn thay thế, và TTCK sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp có hoặc sẽ phải phấn đấu có đủ tiêu chuẩn cần thiết để tham gia sân chơi này. Điều này sẽ tạo xung lực tích cực mới cho cả sự phát triển của doanh nghiệp, lẫn của TTCK Việt Nam.

       Cần nhấn mạnh rằng, có nhiều căn cứ để biến cơ hội đó thành hiện thực, do trong thời gian trước mắt, hầu hết các thị trường đầu tư truyền thống trên thế giới đều gặp khó khăn cả do từ khủng hoảng của Mỹ, cũng như do từ các vấn đề bên trong của mình. Vì vậy, cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư thế giới vốn giàu tiềm năng và kinh nghiêm bị thu hẹp nghiêm trọng, vốn đầu tư quốc tế đang bị ứ thừa, cần tìm nơi đầu tư mới thích hợp. Với sự nhạy cảm và bản lĩnh chuyên nghiệp cao, họ đã nhận thấy những cơ hội mới từ các thị trường mới nổi như Việt Nam, với dân số đông, trẻ, sức tiêu thụ thị trường ngày càng tăng, nhiều thị trường còn gần như bỏ ngỏ và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, mở cửa và hội nhập theo các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong khu vự và trên thế giới. Hơn nữa, bản thân chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hết sức cởi mở chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Những động thái chính sách và ngoại giao của chính phủ và các hoạt động mua bán cổ phần, sáp nhập và tái cơ cấu trong khu vực doanh nghiệp nước ta đã, đang và sẽ tạo cơ hội, sức hấp dẫn và động lực mới cho sự thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả ấn tượng trong thu hút FDI vào Việt Nam năm 2008 là minh chứng tiêu biểu nhất cho xu hướng mới này.

  1. Đến những bài học và đối sách cần có cho Việt Nam

     Mặc dù cuộc khủng hoảng chưa kết thúc và cần thời gian để kiểm định, nhưng có thể rút ra 3 bài học lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ hiện nay:

     Thứ nhất, không có ngoại lệ và miễn dịch phá sản cho bất kỳ đại gia nào trong cuộc chơi trên sân kinh tế thị trường. Nói cách khác, một doanh nghiệp dù lớn đến đâu, thâm niên dài bao nhiêu và trước đó có thành công như thế nào, song cũng có thể sụp đổ nếu vi phạm luật chơi, mà cụ thể ở cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay là vi phạm chuẩn cho vay bất động sản có sự dung túng của chính phủ…

     Thứ hai, vai trò của công tác thông tin, dự báo và giám sát, cảnh báo an toàn, nhất là an toàn hệ thống tài chính-ngân hàng là hết sức quan trọng và không thể coi nhẹ trong bất luận trường hợp nào và vào thời điểm nào…ngoài ra, cần luôn tỉnh táo với các tác động lan tỏa, dây chuyền của các sự biến kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế. Cần dập ngòi khủng hoảng từ khi nó còn nhen nhúm, thay vì khi nó đã thành đám cháy mạnh và lan rộng, thì chi phí là khó đo lường, nhất là với một nước còn nghèo và các thiết chế thị trường còn chưa phát triển, hoàn thiện.

   Thứ ba, nhà nước có vai trò không thể thiếu được và ngày càng to lớn trong cuộc chiến với các chấn động kinh tế chu kỳ hoặc bột phát, nhất là khủng hoảng tài chính-ngân hàng, dù nó xẩy ra không trực tiếp từ sai lầm của chính phủ hoặc trong khu vực kinh tế nhà nước…Tuy nhiên, sự can thiệp này phải tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, không làm xấu đi sự ổn đinh kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích, nhất là không đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng. Sử dụng các công cụ nợ, biến nợ xấu thành chứng khoán có thể mua - bán trên thị trường nợ là một trong các lựa chọn cần thiết và hiệu quả trong trường hợp này và cho mục tiêu đó.

       Yêu cầu và cách thức đối phó với khủng hoảng tài chính Mỹ có khác nhau với các doanh nghiệp và ngân hàng trong nước. Điều này tùy thuộc vào mức độ liên quan trực tiếp và gián tiếp tới cuộc khủng hoảng từ mỗi doanh nghiệp…Có một số nguyên tắc chung sau:

     Một là, cần rà roát lại các dự án và hoạt động đầu tư –kinh doanh của đơn vị, tự phân loại tính chất, cách thức và mức độ ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này, từ đó chủ động có phương án xử lý cụ thể hiệu quả cho đơn vị và đối tác cụ thể trong giả định tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

     Hai là, thực hiện đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh và thị trường, cũng như các đối tác có liên quan.

     Ba là, thường xuyên theo dõi thị trường, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng dự báo và năng lực xử lý kịp thời các tình huống phát sinh từ bên ngoài. Có thể lập các đội đặc nhiệm, với các kịch bản “tác chiến”linh hoạt và tối ưu cho các tình huống khẩn cấp;

     Bốn là, tiếp tục cải thiện năng lực và sự lành mạnh tài chính, chất lượng bộ máy và quản trị kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, có tầm nhìn dài hạn trong liên doanh, liên kết, hợp tác và cạnh tranh kinh tế cả trong quá trình phát triển bên trong, cũng như trong cuộc chiến với các động thái thị trường và chấn động kinh tế bên ngoài…

     Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải chú trọng và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ, DN dân doanh. Điều này là hoàn toàn đúng và rất cần thiết, vì hầu hết (khoảng 95%) doanh nghiệp dân doanh nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang thuộc diện vừa và nhỏ. Họ đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn do lạm phát, nhất là tình hình tăng nhanh các chi phí sản xuất kinh doanh, gắn với tăng chi phí vay vốn, nguyên vật liệu, lương nhân công, thuê mặt bằng kinh doanh và các chi phí không chính thức khác. Ngoài ra, họ còn gặp các khó khăn về thông tin, xúc tiến thương mại và vô vàn khó khăn có tên và không thể gọi tên... Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng chính là đáp ứng sự chờ đợi của doanh nghiệp, nguyện vọng của người dân và thể hiện tích cực, cụ thể vai trò của nhà nước trong phòng chống và đối phó với lạm phát trong nước, và với khủng hoảng tài chính Mỹ và thế giới.

     Về triển vọng trung hạn, để góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nâng cao chất lượng phát triển nền kinh tế Việt Nam, cần chú ý một số điểm sau đây:

Về mặt tài chính:

Giảm phí, chi phí trung gian và chi phí không chính thức giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (bằng những quy định cứng, rõ ràng, minh bạch và có kiểm tra thường xuyên). Đặc biệt, giảm thuế cho doanh nghiệp, nhất là ở những lĩnh vực cần đầu tư phát triển, sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá đầu ra, giảm lạm phát. Một điều ngạc nhiên là chúng ta mới chỉ giảm thuế xuất nhập khẩu, còn thuế thu nhập doanh nghiệp không được quan tâm, thậm chí bị lờ đi. Ở Mỹ, thậm chí họ còn hoàn lại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp hàng chục tỷ USD, để tăng kích cầu đầu tư.

Thắt chặt hơn nữa đầu tư công, trong đó phải làm rõ được 3 yếu tố: tiêu chí, cơ chế thực hiện, chế tài và kiểm soát lợi ích gắn liền việc cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư từ NSNN… Hiện mới có chủ trương, chưa có tiêu chí rõ ràng, chế tài cũng chưa có hoặc chưa đủ hiệu lực…Cần sớm triển khai bước chuyển chiến lược trọng tâm đầu tư phát triển từ khu vực nhà nước bấy lâu nay (vèn kém hiệu quả) sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước đã, đang và tiếp tục trực tiếp và gián tiếp gây xung lực gia tăng lạm phát ở nước ta, cả lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cơ cấu(hiện nay chúng chiếm hơn 50% tổng đầu tư tín dụng Nhà nước, hơn 70% d­ nî xã hội, hơn 80% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng thương mại, cỡ khoảng 500.000 tỷ đồng, bằng 1,5 lần tổng dự trữ ngoại tệ mà chúng ta tự hào tuyên bố là đủ sức để giữ vững tỷ giá nếu có biến động. Ở Thái Lan, khi biến động tỷ giá hồi năm 1998 thì 1 ngày là ngân hàng trung ương Thái Lan phải tung ra mất 20 tỷ USD để duy trì mức tỷ giá mong muốn, cuối cùng không chịu nổi, phải buông tỷ giá đồng Bat trôi nổi theo thị trường).

Phát triển một thị trường vốn đa dạng hơn và có tính thị trường thực chất hơn, bao gồm các loại công ty và quỹ đầu tư, trong đó có nhiều loại quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh, kể cả quỹ tư nhân.

*Về mặt tiền tệ :

Cơ chế quản lý tỷ giá VND phải mềm hơn, theo hướng trả đồng tiền về đúng giá trị thực. 20 năm nay, ta định giá đồng tiền của mình quá cao. Không như Trung Quốc, bị ép “bằng chết” mà vẫn không nâng giá đồng tiền lên, còn chúng ta “tự nguyện” định giá đồng tiền cao, như một niềm tự hào dân tộc thầm lặng và cả do vì một số lợi ích( về trả nợ, về giảm giá nhập thiết bị, vật tư…). Một ví dụ về tỷ giá cố định và chính sách tỷ giá làm đồng tiền tăng gi¸ trÞ lên, 2 năm vừa rồi lạm phát ở Việt Nam xấp xỉ 30%, thì ở Mỹ chỉ lạm phát chưa đến 7%, trừ chênh lệch đi đồng tiền của chúng ta bị đắt lên ít nhất 20% do tỷ giá VND gắn chặt và hầu như không đổi so với USD. Rõ ràng, xu hướng cố định tỷ giá và ngày càng tăng giá trị đồng bản tệ đã, đang và sẽ tiếp tục khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đắt đỏ, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu kém đi và nhập siêu kéo dài. Năm nay, đặc biệt khi ngân hàng vào cuộc chống lạm phát, lại có chính sách 2 tỷ giá, lặp lại thời kỳ 1986-1990. Chính sách áp đặt tỷ giá có 2 mặt của nó: có thể tạo ra ổn định hình thức giá trị VND và một số lợi ích khác, nhưng lại làm lệch giá, tái tạo lại tình trạng chợ đen và đầu cơ tiền tệ, đặc biệt là làm tăng rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp. Ví dụ, 1 doanh nghiệp vay 100.000 đô la, khi trả, ngân hàng không nhận bằng đô, bắt phải bán đô theo tỷ giá thấp, rồi mua theo tỷ giá cao, lỗ mấy trăm triệu đồng. Đấy là ví dụ khá điển hình cho việc ngân hàng độc quyền, gây sức ép cho doanh nghiệp.

Kiên trì lãi suất cao nhưng không quá cao, đặc biệt cần giảm chi phí trung gian của khu vực ngân hàng để tăng tính chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp. Trong thời gian lạm phát cao 2 năm qua, ngân hàng “ăn” rất “dày”, hưởng chênh lệch lãi suất kiểu độc quyền có tổ chức“ ... Đọc báo cáo tài chính thấy ngân hàng nào cũng có lãi, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Không phải vô cớ mà năm ngoái vô số ngân hàng được thành lập và cho vay dễ dãi, họ vừa hưởng lãi cho vay, vừa hưởng lãi do kích đẩy cơn sốt nóng tăng giá trị ảo các chứng khoán ngân hàng, gây ra hệ quả cho đời sống KT-XH đất nước trước mắt và lâu dài không dễ gì khắc phục…

   *Về cạnh tranh, quản lý thị trường và các vấn đề khác:

Thông tin cần đa dạng hơn, nhiều chiều, đảm bảo dân chủ và tăng thêm vai trò phản biện xã hội của các hiệp hội và tổ chức xã hội. Tăng số và chất lượng thông tin phát ngôn chính thức, thông tin của doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, nhiều DNNN và các công ty niêm yết trên TTCK thích sử dụng nghiệp vụ kế toán chuyển hoặc treo lỗ, nên báo cáo tài chính rất đẹp và ảo. Nếu khu vực doanh nghiệp và các số liệu thống kê nhà nước đưa thông tin sai thì điều hành Chính phủ sai, dễ tạo ra sự hỗn loạn và đổ vỡ bất ngờ nào đó, chí ít cũng làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế và chống lạm phát. Thông tin phải minh bạch và chính sách phải ổn định, được hoàn thiện dần theo hướng có thể dự báo được. Tăng chất lượng và vai trò dự báo về tác động 2 mặt của chính sách, được đưa ra bởi đội ngũ chuyên nghiệp, có phản biện khoa học…

Khu vực doanh nghiệp cần được tăng cường tái cấu trúc theo hướng đa sở hữu, đồng thời khuyến khích phát triển tập đoàn theo nguyên tắc thị trường, đủ sức cạnh tranh quốc gia và thế giới. Thời gian gần đây, ít nhiều ta ủng hộ tư nhân. Nhưng trong tư tưởng chỉ đạo chiến lược, dường như vẫn chưa bật đèn xanh cho các tập đoàn tư nhân phát triển, mà vẫn nặng về tập đoàn Nhà nước. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ lớn một chút thì được, lớn nữa là sẽ bị “hành”. Cần có “điều chỉnh” trong tư duy, khuyến khích tạo ra tập đoàn tư nhân lớn, đủ sức cạnh tranh tầm quốc gia và thế giới. Với doanh nghiệp nhỏ, nên có sự đổi mới công nghệ, định hướng phát triển và tiêu chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo tính ổn định hệ thống, nhất là trong tái cấu trúc liên quan đến khu vực tài chính- ngân hàng v.v…Ngoài ra, còn cần chú ý xử lý tốt các vấn đề liên quan đến mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội.

Tự do hóa và phát triển cạnh tranh thị trường, thúc đẩy sớm hơn nếu có thể quá trình tự do hóa theo khuôn khổ WTO. Những lĩnh vực không cần độc quyền vì không nhạy cảm thì nên mở sớm và nhanh hơn nữa, ngay cả kinh doanh xăng, dầu, điện, thuốc,…Bài học phát triển ngành viễn thông và công nghiệp ôtô vẫn còn nóng lắm cho các lĩnh vực đang có mức độc quyền cao ở nước ta. Nên mở cửa mạnh hơn nữa về tài chính, để nước ngoài họ vào. Khi luồng vốn trong nước đã hạn hẹp và không được sử dụng hiệu quả, thì càng phải mở cửa cho nước ngoài, nếu không sẽ có đình trệ, ách tắc không cần thiết. .

Tăng phạt hành chính những vi phạm về giá cả, chống đầu cơ và lũng đoạn, chống lobby mang tính chất ngành và doanh nghiệp. Có cảm nhận rằng, vừa rồi Chính phủ ít nhiều bị những lobby ấy chi phối, lúc thì quyết định cái này, lúc thì cái kia, nó mâu thuẫn lẫn nhau, vì lợi ích nào đó chứ không phải vì lợi ích quốc gia. Khi có sự lobby ngành nào đó, nó tạo ra sự lệch hướng hay thiếu thống nhất về chính sách của Chính phủ và gây thiệt hại chung cho xã hội.

Thực hiện nghiêm việc đấu thầu thực chất các dự án, đặc biệt là được tài trợ bằng các nguồn lực công, cũng như các hoạt động mua sắm chi từ nguồn đầu tư công; Cho các khu vực doanh nghiệp tham gia rộng rãi, bình đẳng, chứ không phải chỉ khép kín trong khu vực Nhà nước với nhau. Cơ quan chủ quả và chủ đầu tư không thể vừa lập dự án, vừa “tuýt còi” cho các doanh nghiệp nào đó vào. Dự án vì lợi ích công, thì tất cả ai có đủ năng lực và tiêu chuẩn phù hợp đều có quyền cạnh trang thực hiện.

Trong vấn đề kiểm soát thị trường, chú ý đến liều lượng, thời lượng, chính sách bổ trợ khi xây dựng và thực thi những giải pháp đã, đang và sẽ triển khai. Bất kỳ chính sách nào cũng có 2 mặt của nó, vì vậy phải lưu ý dự báo trước, chuẩn bị trước phương án, xác định cơ chế phản hồi, phản biện, tiếp thu và không ngừng hoàn chỉnh, để phát huy mặt tích cực, giảm tiêu cực của các chính sách được lựa chọn.

- Coi trọng hơn nữa việc chống tham nhũng, sử dụng người tài, xây dựng và thống nhất một hệ giá trị chuẩn quốc gia, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, để tăng cường lòng tin và sự đồng thuận xã hội, đảm bảo tất cả chính sách, tất cả những gì chúng ta phân biệt đúng- sai phải theo chuẩn mực chung, tránh bị ngộ nhận hoặc bị nhiễu về chân giá trị. Có mối liên hệ trực tiếp giữa tham nhũng và lạm phát ở Việt Nam. Ví dụ, khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực ngân hàng thương mại Nhà nước và khu vực quan chức gắn kết thành một tam giác. Tam giác này định hướng rất lớn phần vốn xã hội, 80% tín dụng thương mại ngân hàng ở Việt Nam bị định hướng bởi khu vực này. Nếu có sự tham nhũng tập thể trong tam giác này, sẽ tạo ra sự lệch hướng rất lớn những nguồn vốn cần thiết của quốc gia không vào nơi cần thiết, tạo ra thất thoát lớn. Đây chính là một nguồn gốc chủ yếu của lạm phát, trước hết là lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cơ cấu v.v… Tham nhũng liên quan đến lạm phát vì còn làm tăng chi phí của doanh nghiệp, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, làm lệch các nguồn lực cần thiết vào những nơi cần thiết, giảm hiệu quả đầu tư công, giảm hiệu quả của chính sách, tăng áp lực của lạm phát và phát triển thiếu bền vững. Tham nhũng trong công tác tổ chức-cán bộ còn mang lại sự nguy hại to lớn và lâu dài hơn nữa cho đất nước, vì chúng không chỉ tạo ra và dung dưỡng những kẻ ăn bám, phá hoại, làm giảm năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển KT - XH và chống lạm phát, mà còn làm xói mòn lòng tin, hủy hoại các nguồn lực quốc gia, làm bạn bè thế giới xa lánh và đổ vỡ khối đại đoàn kết dân tộc…Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế chống tham nhũng thực chất hơn, dân chủ hơn, kiên quyết và hiệu quả hơn, ph¶i coi chèng tham nhòng trong c«ng t¸c c¸n bé nh­ mét ®ét ph¸ míi cña CCHC. Trong lạm phát, mọi người càng cảm nhận được tính cấp thiết của điều này. Đó cũng là một cơ hội mới tích cực mà lạm phát tạo ra nên được tận dụng ./.

 

                                                                                                                  Nguyễn Minh Phong - Lê Tự Minh

                                                                                                                                     DT.0912266399

In bài viết nàyIn bài viết