Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Ngày tết nghĩ về người Việt tiêu thụ hàng việt


Bước vào đầu năm 2010, lần đầu tiên chúng ta tổ chức đánh giá Hàng Việt Nam chất lượng cao trong con mắt người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam trên 6 tháng. Kết quả thật ấn tượng khi những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao được đánh giá chất lượng ở mức điểm 3,7, theo thang điểm từ 1 là bình thường đến 5 là rất tốt. 5 mặt hàng được người nước ngoài chọn mua và đánh giá chất lượng cao nhất: Sữa tươi Vinamilk; Càphê Trung Nguyên; Bút bi Thiên Long; Bánh ngọt Kinh Đô; Áo sơmi Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè, May 10. Nhìn chung, trong tất cả hàng hoá từng dùng, những người nước ngoài này đều tự so sánh chất lượng và độ an toàn của hàng Việt cao hơn hàng Trung Quốc. Những người sống tại Việt Nam thời gian dài đều có nhận xét nhiều món hàng của Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với trước đây, như bộ bát đĩa sứ sản phẩm của Minh Long, bút Thiên Long và Bến Nghé, sữa, các loại bánh kẹo, sách vở, quần áo, giày dép, đồ đạc chất liệu tre, gỗ trang trí trong nhà...

Thống kê dân số mới nhất của Việt Nam cuối năm 2009 cho thấy, cả nước có trên 86 triệu dân, ngoài ra còn có trên 4 triệu người Việt đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài dưới nhiều dạng khác nhau. Như vậy, hơn 90 triệu người Việt ta quả là một thị trường tiêu thị trực tiếp và gián tiếp ngày càng mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế nói chung và sự cải thiện thu nhập của từng người dân nói riêng. Hơn nữa, thị trường này còn có ý nghĩa hơn khi tính đến mức thu nhập quốc dân trung bình hiện nay là hơn 1000 USD/người/năm của người dân trong nước, thì có đến trên 2/3 là chi tiêu cho các nhu cầu ăn uống, ở, mặc, học tập, chữa bệnh, giải trí và đi lại hoàn toàn có thể chỉ bằng “hàng trong nước” nếu có đủ hàng có sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập ( chỉ tính riêng trong số 10 tỷ USD hàng cơ kim khí mà Việt Nam hiện phải nhập khẩu hàng năm, thì có tới 60% là hàng mà trong nước có thể sản xuất được). Còn trên 4 triệu người Việt hiện đang sinh sống ở hơn 100 nước trên thế giới với tổng thu nhập trên 40 tỷ USD/năm (trong đó hơn 50% số người và tài sản tập trung ở Mỹ, Cana đa, Pháp, LB.Nga), tức bằng gần ½ GDP trong nước, thì nhu cầu hàng Việt trong ăn uống và sinh hoạt gia đình và cá nhân khác cũng là phân khúc thị trường khổng lồ xét cả về tiềm năng và hiện thực trực tiếp tiêu thụ và giúp tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài…Đặc biệt, với khẩu vị và thói quen “gia truyền”, thì về tâm linh và tính cấp thiết, hàng Việt còn luôn được ưu tiên trong danh mục mua sắm tổng thể và cơ bản cho ăn uống hàng ngày và nhất là đón Tết Cổ truyền của tất cả những người Việt, dù là đang sống trong nước hay định cư ổn định ở nước ngoài.

Thực tiễn trong nước và thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ, nền kinh tế hàng hoá (nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ thông thường) luôn gắn chặt với sự phát triển quy mô thị trường bản địa. Đa phần các doanh nghiệp trong nước sẽ khó kinh doanh một cách hiệu quả hoặc mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của mình nếu không bán được hàng hoá và dịch vụ trước hết cho người tiêu dùng trong nước. Thấm hiểu điều này, từ trước đến nay, cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan và hàng loạt quốc gia dù đang phát triển hay đã phát triển khác trên thế giới đều không ngừng đề cao vai trò của thị trường trong nước và không ngừng cổ vũ cho chủ trương sản xuất hàng trong nước chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng trong nước. Họ cũng không ngần ngại xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động quốc gia, sử dụng nhiều hàng rào kỹ thuật và tổ hợp các biện pháp đủ loại phục vụ cho mục tiêu chung đặt ra…

Với tinh thần đó, chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà BCT đã chính thức phát động năm 2009 là hết sức đúng đắn, kịp thời và có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Đặc biệt, chủ trương đó có giá trị thực tiễn và có thể trở thành động lực mới cho phát triển đất nước trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, một khi nó được cụ thể hoá và thể chế hoá, đồng thời tạo hợp lực cần thiết từ nhiều phía theo tinh thần người Việt Nam ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam cả ở trong nước, lẫn ở nước ngoài…

Hàng Việt Nam sẽ được ưu tiên tiêu thụ khi được “thương hiệu hoá”, được tập hợp và khẳng định dưới những thương hiệu lớn, ngày càng tiếp cận gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các yêu cầu bảo vệ môi trường, được doanh nghiệp sản xuất ra với chất lượng tốt “như là làm cho mẹ mình dùng”, chứ không chạy theo lợi nhuận thuần tuý và lợi ích ngắn hạn mà làm ăn tắc trách, dối lừa, từ đó thuyết phục và lưu giữ được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng nước ngoài.

Người Việt Nam và cả các khách hàng không phải là người Việt Nam sẵn sàng dùng hàng Việt Nam khi bản thân họ có thông tin đầy đủ về các thông số kỹ thuật, các tiện ích, cũng như khi họ được thuyết phục bởi giá cả hàng hoá và bởi mẫu mã đa dạng, phù hợp thị hiếu ngày càng tinh tế và khắt khe của mình. Sự phát triển của hệ thống phân phối hàng hoá cả bán buôn và bán lẻ các cấp độ và quy mô, ngày càng văn minh, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ phù hợp, đảm bảo tạo thuận lợi, sự dễ chịu, sự tin cậy của khách hàng sẽ càng làm tăng doanh thu bán hàng Việt Nam cả trên thị trường trong nước hay ở nước ngoài (nên khai thác đội ngũ kiều bào ta với vai trò cầu nối và trung gian thương mại ở nước ngoài cho mục tiêu này).

Đồng thời, hàng Việt Nam sẽ được trọng thị hơn khi dân ta được giáo dục và tổ chức để trở thành cộng đồng những người tiêu dùng thông minh, tự trọng, biết phân biệt các giá trị thực và ảo của hàng hoá được hỗ trợ bởi làn sóng quảng cáo chuyên nghiệp, lợi hại, công phu, tinh vi, có tổ chức…Ngược lại, sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam hiện nay mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước thuần tuý, dù cao cả, khi mà với cùng giá cả “xêm xêm” nhau, mà chất lượng hàng nội quá kém, mẫu mã lại đơn điệu và các dịch vụ hậu mãi dường như không có. Không nên lạm dụng lòng yêu nước trong sáng và sức chịu đựng có hạn của người dân lành, nếu không nói là có tội với dân, với nước, khi nhân danh những giá trị tốt đẹp, cứ nhắm mắt làm ngơ trước thực tiễn người tiêu dùng Việt Nam buộc phải trả giá đắt đầy ấm ức cho những “hàng nội giả hiệu” được bảo hộ kéo dài. Chúng không chỉ móc “cháy túi” người dân, mà còn làm nghèo thêm ngân khố và tài sản Nhà nước, làm suy giảm nhanh chóng tiềm năng và sức mạnh quốc gia nói chung, làm tổn thương hình ảnh và giá trị thương hiệu “hàng Việt Nam” nói riêng…

Khẩu hiệu “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt khi mở rộng theo nghĩa ưu tiên tiêu thụ và bán hàng Việt Nam, sẽ không dừng lại ở ý nghĩa cổ động chính trị thuần tuý, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế-xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn toàn diện cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô, trong nước và ở nước ngoài, trước mắt, cũng như lâu dài, khi có sự hỗ trợ có tổ chức, thông minh và thực chất của Nhà nước Việt Nam. Sự hỗ trợ này không chỉ gồm Nhà nước tạo mọi cơ hội nhằm làm tăng thu nhập và khả năng thanh toán thực tế của người tiêu dùng trong nước, mà còn cần làm tất cả nhằm làm giảm bớt các chi phí thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tổ chức sản xuất và phân phối hàng hoá Việt Nam thông qua hơn 90 triệu người con dân Việt. Trước mắt, trong thời gian tới, cần mở rộng những hỗ trợ tài chính Nhà nước như tinh thần Thông tư số 207/2009/TT-BTC ngày 28/10/2009, theo đó, từ ngày 12/12/2009 các hoạt động đưa hàng Việt về bán tại nông thôn, các khu công nghiệp và đô thị được NSNN hỗ trợ 70% chi phí vận chuyển, quầy hàng và nhân công phục vụ, và hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện bài viết và các hoạt động truyền thông tạo nhận thức chung cho cộng đồng hướng về hàng Việt. Đồng thời, các địa phương cần vận động các ngành hàng, quầy hàng, tiểu thương tại các chợ và trung tâm thương mại trên toàn quốc liên kết với nhau và với các doanh nghiệp cùng cam kết, đăng ký hộ kinh doanh hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả và thực hiện các nội dung cam kết bảo vệ người tiêu dùng; Thực hiện chương trình khuyến mãi đối với hoạt động kinh doanh hàng Việt qua các hình thức cụ thể như giảm giá trực tiếp qua các sản phẩm, bán đúng giá các mặt hàng Việt và các chương trình quà tặng kèm khi mua hàng Việt…Nhà nước cũng cần tiếp tục phát động và duy trì những cuộc vận động cấp quốc gia, thực hiện những biện pháp đồng bộ và nhất quán cần thiết trong khuôn khổ các cam kết hội nhập đã ký, nhằm tăng cường nhận thức, thói quen và thông tin về quy mô, chất lượng, giá cả và tính năng, cùng hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, hiện đại và thuân lợi, cùng các điều kiện cung ứng và chăm sóc khách hàng khác từ phía các doanh nghiệp Việt Nam trên phạm vi toàn quốc, cũng như trên thế giới, nhất là những nước có đông đảo cộng đồng kiều bào ta đang sinh sống và kinh doanh…

Nếu những điều trên được thực hiện tốt, thì nhất định hàng Việt Nam sẽ ngày càng là sự lựa chọn đầu tiên và ổn định dài lâu của người tiêu dùng, cả ở thị trường Việt Nam và nước ngoài…/.

 

                                                                                                                   TS.Nguyễn Minh Phong

                                                                                                  Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội

                                                                                                                            ĐT. 0437628689

 

 

In bài viết nàyIn bài viết