Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Tấm phiếu tư liệu hay bài học về "uống nước nhớ nguồn"


Tôi có cái may mắn lớn nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình là được khởi đầu từ Viện Kinh tế thế giới (nay là Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - Viện Khoa học xã hội và nhân văn Việt nam) và càng hạnh phúc hơn là được làm học trò của Thầy Võ Đại Lược.

Nói cho công bằng, ở Viện Kinh tế thế giới tôi có nhiều thầy lắm, từ thầy Lê Văn Sang, thầy Đỗ Lộc Diệp, thầy Bùi Huy Khoát và thầy Diệu là người đã trực tiếp dạy tôi khi còn theo học chuyên ngành Kinh tế thế giới của Khoa Kinh tế Chính trị - Khoá IV - Đại học Tổng hợp Hà Nội; rồi thầy Nguyễn Thiết Sơn là người ngồi hội đồng chấm bài thi nghiên cứu sinh cho tôi... Song người thầy đã, đang và sẽ còn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và quan trọng nhất trong đời tôi chính là Thày Võ Đại Lược. Đối với tôi, thầy Lược không chỉ là người thầy đã giảng rất say sưa và hùng biện về cuốn Tư bản của C. Mác cho lớp sinh viên năm cuối khoa Kinh tế chính trị - Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi, mà thầy còn là người trực tiếp hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp (đề tài "Quan hệ kinh tế Xô - Mỹ") và là người dành cho tôi tình thương, lòng nhân ái, bao dung và những trợ giúp không gì có thể sánh được, tạo ra những bước ngoặt quyết định trong cuộc đời tôi. Mà cũng không phải chỉ với tôi, xét đến cùng, thử hỏi những ai đã từng công tác ở Viện Kinh tế thế giới suốt 20 năm qua, có ai không ít nhất một lần cảm nhận được trực tiếp hay gián tiếp sự trợ giúp nhiều mặt, cả về khoa học, cũng như về chính sách, tinh thần và đôi khi cả vật chất đầy bản lĩnh và trí tuệ, mang đậm chất nhân văn và chí công vô tư của Thủ trưởng - Viện trưởng - PGS - Tiến sĩ khoa học - Viện sĩ Võ Đại Lược! Suốt từ năm 1983 đến năm 1996 công tác tại Viện Kinh tế thế giới, tôi đã hấp thụ được nhiều đức tính, bản sắc và kiến thức từ thầy Lược. Thầy luôn căn dặn chúng tôi: Là nhà nghiên cứu khoa học của Viện Kinh tế thế giới cần có tầm nhìn rộng toàn thế giới, cả nước, toàn cục; Biết lo cái lo của người đứng đầu đất nước, "suy nghĩ như mình đang là Tổng bí thư hay Chủ tịch nước"; Biết thương người nghèo, trọng kẻ sĩ, coi thường quyền uy và cám dỗ vật chất. Thầy thường nói với tôi: "Có ba loại tư duy và tính cách trên đời, đó là tư duy và tính cách của nhà khoa học, của nhà chính trị và của nhà buôn. Loại tư duy và tính cách của nhà chính trị và nhà buôn có thể đi liền với nhau, song tư duy và tính cách của nhà khoa học không thể gắn kết với hai loại đó được một khi anh còn muốn là nhà khoa học chân chính. Và cuộc đời mình - Thầy nói - mình đã chọn là người làm khoa học". Cũng vì trung thành và nhất quán với sự lựa chọn này mà thầy đã bỏ qua nhiều cơ hội tiến thân theo con đường quan chức…Thầy cũng nhiều lần nhắc nhở cán bộ Viện Kinh tế thế giới: "Bài viết cần có cái mới, có thể là mới về số liệu, về lập luận, về phân tích, giải thích, mới về kết cấu và quý nhất là mới về đề xuất, kiến nghị, giải pháp". Cả cuộc đời khoa học của Thầy luôn là tấm gương sáng của sự sáng tạo, hướng đến cái mới, nắm bắt, đề xuất và ủng hộ cái mới, cái tốt đẹp, cái chân, thiện, mỹ và có ích cho tập thể, con người. Thầy cũng từng tâm sự với tôi, làm thủ trưởng cần biết hy sinh, nhường nhịn và kiềm chế bản thân, dám nghĩ, dám làm và nhận trách nhiệm về mình...

Tôi nhớ mãi bài học đầu tiên trong ngày đầu tiên tôi về Viện Kinh tế thế giới công tác, dù đã 20 năm tròn trôi qua.

Hôm ấy, tôi cùng Bùi Ngọc Sơn đến Viện Kinh tế thế giới ở tầng 3, số nhà 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội để nhận công tác. Hồi ấy chúng tôi không phải xin việc vất vả như sinh viên bây giờ. Cả hai đều được thầy mời, thậm chí giục đến Viện nhận công tác kẻo hết chỉ tiêu biên chế của năm 1983. Tôi nhớ lúc ấy tôi còn nhờ Thầy "khất" thầy Hoàng Kim Giao để tôi về Viện Kinh tế thế giới công tác chứ không muốn ở lại làm giáo viên Khoa Kinh tế Chính trị mà tôi vừa tốt nghiệp xong. Khi tôi và Sơn bước vào phòng Thầy, Thầy mời hai đứa ngồi, pha nước uống, nói những lời chúc mừng thân thiết, rồi điều tôi nhớ nhất hôm đó là Thầy đưa cho tôi và Sơn mỗi đứa một tờ phiếu tư liệu làm mẫu. Tôi nhớ, tờ phiếu đó bằng giấy dày, mầu vàng, có đục lỗ tròn xung quanh, trên tờ phiếu ghi rõ 2 phần nội dung tư liệu cần trích và tên tác giả, sách, nhà xuất bản, năm xuất bản tài liệu nguồn. Khi đưa, Thầy dặn, việc trích tư liệu, tập hợp tư liệu và tôn trọng xuất xứ tư liệu (quyền tác giả) là nguyên tắc cơ bản trong nghiên cứu khoa học, "ăn quả phải nhớ người trồng cây”… Tôi và Sơn cùng nhận tờ phiếu mẫu Thầy đưa và cảm ơn Thầy.

Thời gian trôi đi, cùng với biết bao thăng trầm của đời người và xã hội, tôi đã trải qua 3 Viện (Viện Kinh tế thế giới, Viện Khoa học tài chính Bộ Tài chính và Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội thuộc UBND Thành phố Hà Nội) và 5 đời Viện trưởng, song đi đâu, ở đâu, tôi cũng tâm tưởng, nhắc nhở, ngưỡng mộ và sùng kính Thầy, và hình ảnh tờ phiếu tư liệu mà Thầy Lược đưa cho chúng tôi năm xưa không bao giờ phai trong tâm trí tôi. Tôi đã chứng kiến bao "nhà khoa học danh tiếng" từng nghiễm nhiên bê nguyên cả trang sách, thậm chí cả chương sách của người khác vào bài viết của mình mà không cần nêu nguồn; tôi cũng chứng kiến bao người sẵn sàng ký tên mình vào một bài viết không hề có công sức, chỉ cốt để thiên hạ biết rằng mình cũng là một cây viết "có hạng" và thường xuyên xuất hiện trên báo chí... Thậm chí có cây viết (không phải là thủ trưởng) còn "mạnh dạn" xoá tên tác giả để thay bằng tên mình rồi cứ vậy là gửi đăng... Tôi cũng nhận thấy rằng, hình như hiện nay khi về các Viện khoa học nhận công tác, hầu như sinh viên không còn được thủ trưởng căn dặn những nguyên tắc và phẩm chất cần thiết của một nhà khoa học như Thầy Lược đã dạy chúng tôi ngày ấy. Và điều tôi băn khoăn là dường như ngày càng đậm nét hơn tình trạng thủ trưởng các cơ quan khoa học ngày càng không còn là nhà khoa học thuần khiết nữa. Sẽ thiệt thòi cho các nhà khoa học trẻ biết bao, sẽ bất hạnh cho nền khoa học nước nhà biết bao khi thế hệ các thầy như Thầy Võ Đại Lược của chúng tôi ngày càng trở nên "xưa nay hiếm".

Tôi có điều may mắn là được học tập khởi đầu và có được tất cả từ Viện Kinh tế thế giới. Bài học lớn mà tôi học được ở người Thầy lớn Võ Đại Lược là bài học "uống nước nhớ nguồn"./.

 

Nguyễn Minh Phong.

Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế

Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

409-phố Kim Mã-Hà Nội.DT.0912266399

In bài viết nàyIn bài viết