Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Tăng cường công tác thông tin và phạt vi phạm hành chính để Thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch và lành mạnh


Cho đến hết tháng 9/2008, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 152 công ty niêm yết, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà nội là 133 công ty. Có khoảng 80 công ty chứng khoán( CTCK) với hơn 32.000 tài khoản của các cá nhân và tổ chức được mở và đang thực hiện giao dịch tại hai sàn. Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán khoảng gần 27% GDP. Thực tiễn cho thấy, trong số các nhân tố tác động đến sự hoạt động minh bạch và lành mạnh của TTCK Việt Nam, thì công tác thông tin và giám sát xử phạt các vi phạm hành chính có ý nghĩa ngày càng quan trọng...

 1. Đặc điểm của kinh doanh chứng khoán và vai trò của thông tin.

Sự phát triển của TTCK (Thị trường chứng khoán) là đặc trưng và thước đo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng là công cụ đắc lực để huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của một nước, một khu vực, thậm chí toàn cầu. Như tất cả các hoạt động đầu tư kinh doanh khác, kinh doanh chứng khoán cũng nhằm mục đích cuối cùng và cao nhất là đem lại lợi nhuận (từ nguồn lợi tức hoặc chênh lệch giá giữa khi mua và bán chứng khoán), hoặc nhằm thoả mãn những lợi ích riêng nào đó của các nhà đầu tư (chẳng hạn, việc tìm kiếm quyền kiểm soát một công ty hoặc gây tổn hại, thậm chí phá sản cho một công ty cạnh tranh đối địch...). TTCK có những tính chất nội tại trong cơ chế hoạt động của mình như tính gián tiếp của loại hình đầu tư, tính trung gian của hoạt động mua - bán chứng khoán, tính tương đối trong việc đánh giá chất lượng hàng hoá (chứng khoán) thông qua xác định hệ số tín nhiệm của công ty, tính phong phú, đa dạng của các cách thức mua bán chứng khoán (hiện tại, tương lai, thanh toán ngay, thanh toán chậm...), tính dễ thoát ly giữa cung - cầu về chứng khoán và ngay bản thân giữa “cầu thực” với “cầu ảo”, tính nhanh chóng, tức thì của các giao dịch chứng khoán và sự phản ánh tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các giao dịch này đến động thái chứng khoán chung trên thị trường chứng khoán, tính nhạy cảm-đòn bẩy của các quyết định đầu tư từ các nhà đầu tư lớn - thủ lĩnh (mặc dù khối lượng mua - bán chứng khoán không nhất thiết là lớn) đến động thái thị trường và tính chất dễ lan toả của các xu hướng và tâm lý mua - bán từ các nhà đầu tư này đến tuyệt đại đa số các nhà đầu tư nhỏ, ăn theo khác. Đồng thời, TTCK còn mang tính đa chiều, khi lên, khi xuống của biểu đồ thị giá chứng khoán, khác với nhiều thị trường hàng hoá - dịch vụ thông thường chỉ có hoặc đi lên, hoặc xuống (tất nhiên, trừ phi công ty phát hành chứng khoán bị phá sản). Do vậy, kinh doanh trên TTCK có đặc trưng nổi bật là tính chất may rủi và tính đầu cơ rất cao bên cạnh tính đột biến của lợi nhuận thu được trên TTCK.

Hơn nữa, độ rủi ro kinh doanh chứng khoán còn cao hơn(xét cả về phía các nhà đầu tư chứng khoán, lẫn về phía đời sống kinh tế - xã hội quốc gia), nếu xét đến những bí mật thuộc bản chất cơ chế hình thành cung - cầu và giá cả chứng khoán trên TTCK- đặc biệt là xu hướng luôn có sự tách rời khá xa giữa giá trị thực và giá trị “ảo” tạo nên bởi những ngộ nhận xuất phát từ suy đoán logic mang đậm tính kinh nghiệm (trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán khá phi logic, mặc dầu có những quy luật nhất định của những ngẫu nhiên), từ những giả định mang tính hy vọng, ước nguyện, lý tưởng chủ quan và cả từ sự phổ biến của cái gọi là “tâm lý bầy đàn” (tức tâm lý của đám đông dễ a dua, dễ bị khích động và chi phối bởi một cá nhân thủ lĩnh) được thể hiện khá rõ trong thực tiễn hoạt động của những TTCK thế giới. Điều này càng bộc lộ rõ nhất ở những TTCK mới thành lập, nơi các thành viên tham dự “cuộc chơi” trên TTCK còn non nớt về nhận thức, kinh nghiệm, nơi những quy luật chung, đặc trưng của TTCK địa phương chưa kịp định hình vững chắc, hơn nữa, nơi mà ngay cả các thiết chế cần thiết cho cơ chế kinh tế thị trường nói chung, cho TTCK nói riêng còn chưa phát triển đồng bộ và hoàn thiện...

Thành thử, chất lượng các thông tin về chứng khoán có vai trò đặc biệt quan trọng để giúp các nhà kinh doanh chứng khoán hiểu đúng chất lượng chứng khoán, nắm bắt đúng xu hướng biến động giá cả, cung - cầu chứng khoán, từ đó hình thành và điều chỉnh các quyết định đầu tư của mình cho phù hợp, bảo đảm tính an toàn và hiệu qủa của các hoạt động kinh doanh trên loại thị trường vốn không phải dành cho những kẻ yếu tim này.

  1. Cơ cấu, nội dung và những vi phạm về thông tin trong hoạt động của thị trường chứng khoán.

Với những đặc điểm trên đây, có thể nói, ở góc độ hẹp thì TTCK chính là thị trường thông tin. Nói các khác, thông tin chiếm vị trí quyết định nhất để một TTCK có thể vận hành an toàn và hiệu quả. Thực tế thế giới cũng cho thấy, hầu hết các TTCK ở các quốc gia (nhất là những TTCK còn non trẻ ở Châu Á), đều đã từng bị chấn động mạnh, thậm chí sụp đổ chỉ sau thời gian ngắn hoạt động do sự thiếu thốn hệ thống luật pháp cần thiết, và nhất là do thiếu sự phát triển của hệ thống thông tin và bảo đảm chất lượng của các thông tin trên thị trường này.

Những thông tin cần thiết để một TTCK hoạt động bình thường và an toàn, nhất thiết phải gồm:

1- Nhóm thông tin về môi trường pháp lý, cơ chế, thể thức vận hành về TTCK nói chung và về TTCK địa phương cụ thể nói riêng.

2- Nhóm thông tin về tình hình kế hoạch và kết quả hoạt động kinh doanh, trạng thái tài chính mà báo cáo tài chính công ty là quan trọng nhất (Bảng cân đối tài sản, báo cáo kết quả sản xuất-kinh doanh, thuyết minh báo cáo tài chính theo định kỳ cho thời kỳ gần nhất, vốn điều lệ thực có, nợ phải trả (trong đó có nợ quá hạn), các thông tin về mức chia cổ tức, về chỉ số thị giá/lợi nhuận P/E (Price/Earning ratio), những thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển của công ty phát hành chứng khoán...Qua đó, nhà đầu tư chứng khoán có thể đánh giá được chất lượng chứng khoán mà họ sở hữu để làm căn cứ ra quyết định đầu tư thích hợp.

3- Nhóm thông tin về động thái cung - cầu và các nhân tố liên quan đến TTCK, bao gồm về cung - cầu của các loại chứng khoán niêm yết trên TTCK trong nước và nước ngoài, xu hướng vận động và những dự báo tương lai... Rộng hơn, có thể còn cần bao hàm cả những thông tin liên quan đến đường lối, chính sách, giải pháp kinh tế vĩ mô của Chính phủ chung cho đất nước, hoặc riêng cho từng ngành, lĩnh vực, mặt hàng, doanh nghiệp. Ngay cả những thông tin về chính sách đối ngoại, đối nội về chính trị - xã hội cũng có dấu ấn riêng trực tiếp và đậm nét trong đời sống hàng ngày trên TTCK.

4- Nhóm thông tin giành cho các nhà đầu tư chứng khoán (nhất là các nhà “nghiệp dư”) tham khảo để giảm thiểu hoặc tránh khỏi các rủi ro bởi sự dại dột của chính mình, bao gồm các thông tin về đặc điểm của kinh doanh trên TTCK, nhất là “tâm lý bầy đàn”, các mánh khóe gian lận trong kinh doanh hiện đại và kinh doanh chứng khoán...

Những rủi ro gắn với những vi phạm thông tin trong kinh doanh chứng khoán có thể xuất phát từ các hành vi sau:

- Thiếu phổ biến thông tin chính xác, cần thiết, đầy đủ, có hệ thống, cập nhật.

- Thông tin bị bóp méo, “làm đẹp”, bị cắt xén, làm “chậm lại” và thậm chí bị đánh tráo trong khi đưa ra công chúng...

- Thông tin bị sử dụng làm công cụ cạnh tranh (tung tin giả, tin nhiễu), gây thiệt hại cho doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh, khiến nhà kinh doanh chứng khoán lúng túng, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm.

- Thông tin “gốc” bị khai thác cho các mục đích thu lợi thông qua các mánh khoé như mua bán nội gián, bán khống, cho vay chứng khoán, lũng đoạn thị trường, thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp...

Những rủi ro từ kinh doanh chứng khoán dưới góc độ thông tin, cũng chính là khuyết tật đồng hành, cố hữu của TTCK, mà các nhà đầu cơ thường triệt để khai thác với các thủ đoạn tinh vi lẫn trắng trợn: phao tin đồn nhảm, gian lận thông tin, gây căng thẳng hoặc ảo giác lợi nhuận giả tạo, làm rối loạn lòng tin, nâng giá, ép giá chứng khoán, mua bán nội gián, mua bán khống... đục nước béo cò, không chỉ thu lợi bất chính, phạm pháp, mà còn nguy cơ gây ra những đổ vỡ khôn lường theo kiểu chấn động dây chuyền trên TTCK, làm mất ổn định chung đời sống kinh tế-xã hội khu vực và quốc gia, thậm chí quốc tế (tuỳ theo vị thế của TTCK quốc gia trong hệ thống TTCK quốc tế).

Trong năm 2007 có khoảng 18 cá nhân bị xử phạt vì vi phạm về việc không hoặc chậm công bố thông tin trong việc mua, bán chứng khoán. Những vi phạm này tập trung vào khoảng thời gian “nhạy cảm”, giá chứng khoán biến động mạnh trên thị trường, các đối tượng thực hiện mua, bán chứng khoán, nhưng không báo cáo các cơ quan chức năng…

III. Một số sai phạm điển hình trong vi phạm hành chính trên TTCK.

   Ngoài những vi phạm trong lĩnh vực thông tin nêu trên, trong hoạt động của TTCK ngày càng cho thấy sự gia tăng các vi phạm hành chính khác, điển hình là:

Thứ nhất, phát hành chứng khoán “chui” và các vi phạm phát hành chứng khoán khác của công ty đại chúng…

Kiểu phát hành chứng khoán “chui” này phổ biến ở dạng các công ty cổ phần (công ty đại chúng) thực hiện chào bán thêm cổ phần ra công chúng mà không xin phép UBCKNN, không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí không có cả phương án phát hành chứng khoán theo pháp luật qui định; Có công ty được cấp phép rồi vẫn không thực hiện bán cổ phiếu ra công chúng theo thời gian qui định; Có công ty chào bán chứng khoán riêng lẻ hoặc theo đối tượng lựa chọn (cán bộ chủ chốt, theo chương trình trọng dụng nhân tài...), không tuân theo qui định pháp luật (vi phạm Điều 9 -Nghị định 36/2007- NĐ-CP). Cá biệt, có trường hợp một số công ty chưa triển khai hoạt động, thậm chí chưa có trụ sở đã tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng, thậm chí lách luật, biến tướng các chứng khoán này dưới tên gọi “tù mù”, “gần nghĩa” như “quyền mua cổ phiếu”, hoặc “phiếu ưu tiên mua cổ phần”…Thậm chí, có công ty phạm nhiều lỗi cùng lúc. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn thực hiện 06 lần phát hành riêng lẻ mà không báo cáo UBCKNN và không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định; đồng thời, Công ty này đã không thực hiện thông báo phát hành đối với đợt chào bán 3,2 triệu cổ phiếu của công ty mà đã được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng... Năm 2007 những vi phạm này rất phổ biến và có chiều hướng gia tăng của các công ty niêm yết. Theo con số thống kê chưa đầy đủ trong năm 2007 có khoảng 30 công ty vi phạm lỗi này trên tổng số 80 công ty vi phạm bị xử lý hành chính phạt tiền. Riêng 6 tháng đầu năm 2008 những vi phạm loại này là 44vụ chiếm 81.5%. Tổng số vụ vi phạm bị phạt tiền. Điều đáng nói ở đây là các dạng và mức độ vi phạm rất khác nhau, còn mức phạt theo qui định lại rất nhẹ và không chênh lệch nhau đáng kể. Chẳng hạn, trước chuỗi các vi phạm của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn nêu trên, Công ty ‘vui vẻ’ chấp nhận tổng cộng mức phạt 70 triệu đồng. Hoặc CTCP xây dựng số 7 lợi dụng qui định đã tăng vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng (tăng 550%) ; CTCP Mai Linh tăng vốn từ 380 tỷ đồng lên tới 980 tỷ đồng (tăng 266%), so với CTCP Thiết bị tăng vốn từ 18 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng (tăng 25%), nhưng mức phạt theo qui định giữa hai loại công ty là 50 triệu đồng và 20 triệu đồng. Nếu giả định giá cổ phiếu hai công ty trên, ở thị trường OTC vào thời điểm phát hành tăng vốn đều như nhau, tức gấp 2,5 lần mệnh giá (25.000 đồng) nhưng với khối lượng phát hành như trên, hai công ty sẽ thu được thặng dư vốn điều lệ là 900 tỷ và 9 tỷ tức gấp 100 lần (900/9). Với mức phạt “lấy lệ” này, các công ty đều “mong được phạt” và tiếp tục vi phạm, rất nhiều công ty tái phạm vài ba lần. Thậm chí 6 lần.

     Cần nhấn mạnh rằng, chính bất cập này đã dẫn tới tình trạng bùng nổ và lạm dụng huy động vốn bất hợp pháp trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn Điều lệ, bất chấp các quy định pháp luật, kế hoạch và hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động để đảm báo lợi ích lâu dài cho cổ đông, giữ gìn thương hiệu công ty. Đây cũng là một nguyên nhân rất quan trọng góp kéo giá cổ phiếu các công ty đã niêm yết trên hai sàn sụt giá thảm hại trong thời gian qua và cả trong thời gian tới. Điều này cũng dẫn đến nghịch lý cay đắng cho nhà đầu tư chứng khoán là họ dường như bị các công ty phát hành cổ phiếu bỏ rơi, lợi dụng và rũ bỏ trách nhiệm, để mặc quyền lợi của nhà đầu tư lên xuống theo trào lưu đầu cơ thị trường, các công ty ung dung “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, sự lên xuống giá cả các cổ phiếu của công ty trên TTCK lúc này không có ý nghĩa nhiều đối với họ nữa…Nghịch lý này dường như chỉ có ở Việt Nam và trong thời kỳ đầu ở một số nước chuyển đổi, hoàn toàn ngược lại và lạ lẫm với các công ty nước ngoài niêm yết trên TTCK nước ngoài.

Thứ hai, vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán, đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán.

Các nhân viên của các công ty chứng khoán khi thực hiện giao dịch chứng khoán thường vô tình hoặc cố ý mắc 1 hoặc cùng lúc các lỗi, như: chèn lệnh, hủy lệnh trong cùng đợt giao dịch, nhập lệnh không đúng qui trình, thậm chí tư vấn kinh doanh chứng khoán cho nhà đầu tư theo “đơn đặt hàng” của tổ chức phát hành, hoặc của các đại gia - nhà đầu cơ lớn. Ngoài ra, còn có một số cá nhân và công ty có hành vi thông đồng trong giao dịch tạo cung - cầu giả, câu kết với nhau liên tục mua, bán một loại chứng khoán để thao túng giáTheo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm 2007 có khoảng gần 100 vụ vi phạm, trong đó lỗi hủy lệnh trong cùng đợt giao dịch chiếm khoảng 60% số vụ vi phạm. Đặc biệt, theo thống kê, riêng tháng 10/2007 Sở GDCK Tp Hồ Chí Minh đã xử phạt khoảng 55 trường hợp vi phạm của các công ty chứng khoán, chiếm khoảng 50% số vụ vi phạm trong cả năm 2007. Trong đó, chỉ riêng 2 ngày là 12 và 8/10/2007, SGDCK đã ký quyết định xử phạt tới 34 trường hợp vi phạm (chiếm 62% toàn bộ vi phạm của tháng 10/2007). Trong 34 trường hợp này, riêng trong ngày 12/10 có tới 12 trường hợp giao dịch viên ở 10 CTCK khác nhau vi phạm lỗi nhập lệnh ATO để giao dịch cổ phiếu mới niêm yết trên sàn, so với tổng số khoảng 18 vụ vi phạm lỗi này trong cả năm 2007 (chiếm 66%). Lỗi hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cả hai ngày (7 vụ); còn lại là lỗi nhập lệnh không đúng qui trình. Hơn 50% trong số 70 CTCK đang hoạt động trên TTCKVN hiện nay đều có hành vi phạm lỗi; CTCK có tần suất vi phạm nhiều là CTCK Châu Á- Thái Bình Dương (7 vụ); CTCK ngân hàng Công thương, CTCK Sài gòn SSI (6 vụ); công ty chứng khoán ACB, CTCK Rồng Việt, CTCK ngân hàng Nông nghiệp (5 vụ)... Đặc biệt, không phải ngẫu nhiên mà những vi phạm đó hoàn toàn trùng khớp với giai đoạn “bùng nổ” sốt nống trên TTCK với đỉnh cao của VN Index tăng lên là 1104 điểm vào ngày 12/10/2007.

Tuy nhiên, tất cả đều thấy một hình thức xử lý chung: nhẹ là cảnh cáo (chiếm tới hơn 80% số vụ vi phạm), nặng thì đình chỉ giao dịch từ 1 đến 3 tháng. Tổng cộng số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước năm 2007 là 2,085 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2008 Thanh tra của UBCKNN đã ban hành 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán tổng cộng là 1,615 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, lạm dụng nghiệp vụ tự doanh và kẽ hở luật pháp, cũng như do thiếu đạo đức nghề nghiệp và chất lượng cán bộ còn nhiều bất cập, khiến nhiều CTCK đã lợi dụng lợi vị thế của mình “tự tung, tự tác”, đặt lệnh trước, hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh, nhập lệnh ATO với cổ phiếu mới niêm yết…nhằm làm giàu bất chính trên lưng các cổ đông nhỏ lẻ khác. Đây là thực tế đáng báo động vì sự gia tăng cả về lượng, lẫn quy mô tác hại của chúng đến sự minh bạch và lành mạnh trong hoạt động của TTCK Việt Nam, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cả hiện tại và tương lai.

  1. Một số giải pháp bảo đảm sự minh bạch và lành mạnh của TTCK

Để phòng tránh và giảm thiểu những vi phạm trên, cần tuân thủ các quy định của Nhà nước về hoạt động của TTCK, nhất là những điều cấm trong Luật kinh doanh chứng khoán. Đặc biệt, cần coi trọng những giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, môi trường pháp lý và cả những định chế cần thiết cho hoạt động kinh doanh chứng khoán. Đặc biệt, cần có những quy định rõ ràng, thống nhất, phù hợp thông lệ quốc tế về chế độ kế toán, kiểm toán và thông tin phục vụ hoạt động của TTCK đối với các Công ty có niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Phát triển rộng rãi cơ chế và mạng lưới thông tin chuyên đề, chuyên ngành, và thông tin đại chúng về chứng khoán và TTCK. Việt Nam cần bám sát các chuẩn mực kế toán quốc tế do Tổ chức quốc tế các uỷ ban chứng khoán (IOSCO) đã thông qua để “chuẩn hoá và quốc tế hoá” các quy định kế toán cần thiết, tạo thuận lợi cho sự hội nhập của TTCK Việt Nam vào môi trường chung của kinh doanh chứng khoán quốc tế, tạo điều kiện cho việc phát hành chứng khoán của các doanh nghiệp Việt Nam tại các TTCK nước ngoài. .

Thứ hai, cần coi trọng công tác thẩm định chất lượng thông tin từ cơ sở. Bên cạnh các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm phi Chính phủ, Nhà nước cần có những quy định và đơn vị của mình có chức năng chuyên về công tác thông tin, đảm bảo cung cấp đầy đủ, rộng rãi, cập nhật, chính xác và minh bạch các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động TTCK về các nội dung yêu cầu thông tin nêu trên. Cần phân công trách nhiệm rõ ràng nhằm tránh những chồng chéo về hoạt động của các tổ chức tự quản và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin chứng khoán.

Thứ ba, tăng cường giáo dục nhận thức và năng lực xử lý thông tin thị trường và tự bảo vệ mình cho các nhà đầu tư chứng khoán, nhằm giúp họ hiểu đúng đắn nhất chất lượng hàng hoá (tức chứng khoán) có trong tay họ, cũng như về đặc điểm của kinh doanh trên TTCK, từ đó tự định hướng, điều chỉnh và giảm thiểu thiệt hại, rủi ro trong kinh doanh chứng khoán từ những dại dột của chính mình. Đồng thời, tổ chức đào tạo dưới các hình thức thích hợp nhằm không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về TTCK cho đội ngũ cán bộ quản lý và phục vụ kinh doanh chứng khoán.

Thứ tư, có cơ chế chế tài nghiêm khắc, kịp thời, hiệu quả đối với các sai phạm trong việc bảo đảm chất lượng thông tin và cung cấp các dịch vụ phục vụ kinh doanh chứng khoán.Cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát của các Ban thanh tra liên ngành (Ủy ban chứng khoán, Công an, cơ quan thuế...) với việc phát hành cổ phiếu “chui”, huy động vốn một cách “vô tội vạ”, sử dụng vốn thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả, thậm chí “ôm” vốn đi đầu tư bất hợp pháp gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật về chứng khoán - kinh doanh chứng khoán, áp dụng linh hoạt các biện pháp cấp, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép trong lĩnh vực chứng khoán và kinh doanh chứng khoán đối với các đơn vị và cá nhân vi phạm các quy định về phổ biến và bảo đảm chất lượng, an toàn thông tin chứng khoán. Đặc biệt, cần tăng cường mức xử phạt (tịch thu toàn bộ khoản lợi bất chính, và phạt thêm gấp nhiều lần khoản lợi đó, cấm hành nghề vĩnh viễn, thậm chí đưa một số hành vi vi phạm nguy hiểm vào Bộ Luật hình sự để xử lý như những loại tội phạm mới) và thông tin rộng rãi về các đối tượng và hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm giữ nghiêm kỷ cương trên TTCK.

Thứ năm, cần không ngừng rút kinh nghiệm các hoạt động nghiệp vụ mà trên thực tế còn là hết sức mới mẻ đối với cả người mua - người bán và người trung gian, cũng như các cơ quan quản lý chứng khoán. Kết hợp học tập kinh nghiệm nước ngoài để ngày càng hoàn thiện môi trường kinh doanh chứng khoán Việt Nam và tìm ra, sử dụng hiệu quả các “thanh hãm” an toàn cho sự vận hành của TTCK Việt Nam;

Ngoài ra, cần nâng cao các tiêu chuẩn thành lập và kiểm tra chất lượng hoạt động của các CTCK, đề cao các yêu cầu về cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh, thực hiện triệt để việc tách tài khoản tiền chứng khoán của các nhà đầu tư sang ngân hàng, hạn chế sự lợi dụng tài khoán của nhà đầu tư của một số nhân viên CTCK để trục lợi …TTCK nước ta còn quá nhỏ bé và dễ bị tổn thương, việc tăng cường chất lượng công tác thông tin và giám sát, xử phạt các vi phạm hành chính, củng cố lòng tin cho nhà đầu tư là việc làm thiết thực và cấp bách để củng cố sự phát triển lành mạnh và vững chắc của TTCK nói riêng, nền kinh tế thị trường Việt Nam nói chung./.

 

                                                                                              Ts. Nguyễn Minh Phong - TS. Đặng Cẩm Thuý

 

In bài viết nàyIn bài viết