Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Doanh nhân nữ và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu


(Chinhphu.vn) - Với những lợi thế riêng như khả năng sáng tạo, thích nghi cao, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có nhiều cơ hội để trở thành đối tác cung ứng hàng hóa cho những tập đoàn hàng đầu thế giới.

alt
Hình ảnh tại Đại hội thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam. Ảnh: moit.gov.vn
 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), số DN do phụ nữ sở hữu và điều hành chiếm khoảng 25-35% tổng số DN tư nhân trên toàn thế giới. Tính đến hết năm 2014, ước tính có khoảng 126 triệu phụ nữ khởi nghiệp hoặc điều hành DN và 98 triệu phụ nữ tham gia quản lý các DN đang hoạt động tại 67 nền kinh tế trên toàn cầu.

Nếu số DN do phụ nữ làm chủ gia tăng mức ngang bằng với nam giới thì có thể cải thiện thu nhập trung bình thêm 20% tại Trung Đông và Bắc Phi, 19% tại Nam Á và 12% tại châu Mỹ Latin. Đặc biệt, nếu phụ nữ nông dân ở các nước đang phát triển có cùng cơ hội tiếp cận với các nguồn lực như nam giới, họ có thể tăng năng suất nông nghiệp lên 20-30%, từ đó giúp giảm tỉ lệ thiếu đói từ 12-17%.

Ở Việt Nam, theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian qua, rất nhiều DN nữ đã thành lập và sau đó hoạt động với kết quả tốt. Nhiều DN do phụ nữ điều hành, lãnh đạo đã trở thành những DN hàng đầu của nền kinh tế như Vinamilk, Saigon Co.op...

Tuy nhiên, trong tổng số của gần 500.000 DN đang hoạt động, chỉ có khoảng 25,4% DN do phụ nữ lãnh đạo. Hơn nữa, phụ nữ thường tham gia vào các hoạt động kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, công nghệ, tỉ lệ quay vòng vốn cũng như tỉ suất lợi nhuận chưa cao. Những hạn chế đó khiến DN do phụ nữ làm chủ thường không đủ khả năng đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Nhưng trên hết, những DN do phụ nữ làm chủ cũng sở hữu những lợi thế to lớn mà nam giới khó lòng có được. Tại một hội thảo do VCCI tổ chức mới đây, bà Jocelyn Tran, Giám đốc cao cấp khu vực Đông Nam Á của Walmart Global Sourcing cho biết, theo kinh nghiệm của tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới này, các DN do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo cũng như khả năng thích nghi cao, sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới.

Hơn nữa, là người “điều hành” gia đình, phụ nữ sẽ là người biết rõ nhu cầu của gia đình mình. Chính vì vậy, các DN do phụ nữ là chủ sẽ có được nhiều sản phẩm cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn.

Mặt khác, xét về lợi ích xã hội, tăng được thu nhập cho phụ nữ sẽ tăng được các hoạt động an sinh xã hội như trường học, bệnh viện, chăm sóc trẻ em.

Theo bà Jocelyn Tran, trong quá trình tìm kiếm các nhà cung ứng cho Tập đoàn khi tham gia thị trường Việt Nam, Walmart sẽ có những chính sách “ưu ái” cho các DN do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, đây không phải là hoạt động từ thiện mà việc hỗ trợ DN do phụ nữ sở hữu không chỉ nhằm thúc đẩy tính đa dạng mà chính vì lợi ích trong kinh doanh của Tập đoàn. Bởi vì, trong số 260 triệu khách hàng của Walmart thì phụ nữ là khách hàng chủ yếu.

Theo đó, Walmart sẽ xem xét để tiếp cận tất cả các mặt hàng của Việt Nam, không trừ nhóm hàng nào từ thực phẩm tươi sống đến đóng hộp, chế biến.

Tuy nhiên, để có thể là nhà cung ứng cho Walmart, theo bà Jocelyn Tran, các DN Việt Nam nói chung và DN do phụ nữ làm chủ nói riêng cần nắm được những yêu cầu, quy định và chuẩn mực khi cung cấp hàng.

Trước tiên, cần chú ý tới chế độ khai báo và xác nhận theo nguyên lý bảo đảm tính minh bạch, chính xác và cụ thể. Ví dụ, nếu DN thuê các nhà thầu phụ hay thay đổi quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ mới, cần khai báo một cách kịp thời và cụ thể trước khi cung ứng hàng.

Bên cạnh đó, tập đoàn này đặc biệt quan tâm tới việc đánh giá các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp dựa trên các tiêu chí như tuân thủ pháp luật, sản phẩm bảo đảm vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và an toàn, liêm chính về tài chính…

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Doanh-nhan-nu-va-co-hoi-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau/246239.vgp

In bài viết nàyIn bài viết