Những con số lên tiếng

Trong quý 1 năm 2021, toàn thị trường Việt Nam đã bán ra 80.500 xe ô tô các loại, tăng vọt tới 164% so với cùng thời kỳ năm 2020 (cùng thời gian năm 2020 chỉ bán được 50.009 xe).

Như thường lệ, các hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc gần như thống trị tuyệt đối thị trường xe ô tô Việt Nam. Riêng Hyundai đã bán được gần 15.866 xe, chiếm thị phần 19,26%. Tuy nhiên, số xe của các hãng xe Nhật Bản cộng lại vẫn chiếm đa số thị trường. Chỉ tính theo top 10, các hãng xe Nhật Bản tổng cộng bán được 37.564 xe, chiếm 45,53% thị phần. Trong khi đó các hãng xe Hàn Quốc bán được 26.605 xem, tương đương với 32,25% thị phần.

Như vậy chỉ riêng các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm tuyệt đối 80% (77,78%) thị trường xe ô tô Việt Nam, khoảng 20% được chia cho các hãng xe còn lại. Vinfast vươn lên vị trí thứ 5 với khoảng 8,30% thị phần. Nếu tính thêm tháng 4 năm 2021, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 46%, trong khi xe nhập khẩu tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu cộng thêm cả số xe đã bán của Vinfast và TC Motor (Sản xuất và phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam), người Việt đã mua sắm lên tới 407.460 xe các loại (chưa tính các thương hiệu nhập khẩu hạng sang như BMW, Mercedes-Benz, Audi, Jaguar Land Rover, Volvo...

Theo thống kê chính thức của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Tổng cục Hải quan, năm 2020, người dân Việt nam đã chi tièn mua gần 400.000 chiếc ô tô. Con số này sẽ cao hơn nếu tính cả những giao dịch mua bán, chuyển giao các xe đã qua sử dụng. 

Trong danh sách Top 10 của các thương hiệu đại gia, ngoài Vinfast và Thaco (dòng xe tải) đều là các thương hiệu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Dẫn đầu là 2 thương hiệu rất quen thuộc với khách hàng Việt Nam, Hyundai (81 nghìn xe năm 2020) và Toyota (gần 71 nghìn xe).

Doanh thu của các xe sản xuất, lắp ráp trong nước tăng vọt khi so sánh với số lượng xe nhập khẩu. Lý do là ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các dòng xe lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên ưu đãi này đã kết thúc vào tháng 12 năm 2020 và các chuyên gia, cũng như người tiêu dùng trong nước đều dự đoán số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt từ Thái Lan, Indonesia (là 2 nước xuất khẩu xe lớn vào Việt Nam) sẽ tăng nhanh. Các số liệu của hải quan những tháng đầu năm 2021 đã khẳng định xu hướng này.

Thay đổi nhận thấy nhất của thị trường xe ô tô Việt Nam trong năm 2020 là dấu ấn khi các thương hiệu ô tô Hàn Quốc đã có những bước tiến ngoạn mục, vượt qua các hãng xe Nhật Bản trở thành những thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam. Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh năm 2020, Các hãng xe Hàn Quốc hiện đã trở thành đối trọng ngang bằng với các đế chế xe Nhật Bản truyền thống tại thị trường Việt Nam. Trên thực tế, thương hiệu Hyundai đã có bước tiến xa hơn các hãng xe Nhật Bản nếu chúng ta tính gộp cả những xe Hyundai do TC Motor lắp ráp, phân phối, tất cả đạt tổng doanh số bán ấn tượng 81.368 xe, tăng 1.800 xe so với năm trước.

Gà đẻ trứng vàng cho ai?

Thị trường xe ô tô Việt nam không phải quá lớn nhưng được đánh giá là “gà đẻ trứng vàng” cho một nhóm số ít các “ông lớn”.

Ông lớn đầu tiên phải nói tới Toyota Việt Nam. Công ty Toyota là một trong những hãng xe nổi tiếng có mặt sớm nhất ở Việt Nam. Năm 1991, Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản (TMC) quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam bất chấp những khó khăn về cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, hạn chế trong chính sách đầu tư... nhưng có sự hấp dẫn của một đất nước với dân số trẻ, đang vươn mình đổi mới... Sau hơn 4 năm, đến năm 1995, Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đã chính thức được thành lập và đến tận tháng 8/1996, khoản đầu tư gần 15 triệu USD đã đem lại kết quả khiêm tốn đầu tiên, chiếc xe số 1 được sản xuất (lắp ráp) tại Việt nam – Toyota Hiace đã xuất xưởng. Trong giai đoạn khởi đầu này, sản lượng của Toyota Việt nam chỉ đạt 2 xe/ngày.

Cho đến nay, Toyota Việt Nam đã có trên 20 nhà máy cung cấp phụ tùng, chủ yếu các nhà cung cấp của Tập đoàn Toyota Nhật Bản cùng tham gia đầu tư vào Việt Nam như Toyota Boshoku, Toyoda Gosei...

Hiện tại, Toyota Việt Nam vẫn là một trong những hãng dẫn đầu thị trường ô tô cả nước (2 năm cuối Toyota Việt Nam tạm bị hãng Huyndai, Hàn Quốc vượt qua vị trí dẫn đầu). Mỗi năm hãng cung cấp sản lượng đạt trên 30.000 xe/năm, doanh số cộng dồn trên 305.799 chiếc. Toyta Việt Nam đã mang tới việc làm cho hơn 1.900 lao động và hơn 6.000 nhân viên công tác tại 41 đại lý/chi nhánh khắp nước.

Toyota Việt Nam cũng tham gia tích cực và đóng góp rất nhiều vào các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa của cộng đồng và xã hội. Có thể khẳng định Toyota Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thành công đầu tư táo bạo, dũng cảm và kiên trì tại Việt Nam. Hãng xe đã được hưởng những thành quả xứng đáng với hành trình gần 30 năm đầu tư, đóng góp tại Việt Nam.

Không chỉ Toyota Việt Nam, ngành ô tô Việt Nam được đánh giá là con gà đẻ trứng vàng cho những hãng xe hàng đầu Nhật Bản từ thập niên 90 và sau đó là các tập đoàn ô tô Hàn Quốc trong nhiều thập niên qua. Có thể khẳng định, tất cả các hãng xe ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc đã “thu hồi vốn” rất nhanh cho những dự án đầu tư của mình.Theo nhiều chuyên gia ngành ô tô, họ đã thu hồi vốn đầu tư chỉ trong thời gian 3-4 năm và tiếp tục nhặt trứng vàng từ đó đến nay.

Theo ước tính của các chuyên gia, tổng các loại thuế, phí cho một chiếc xe nhập khẩu (loại xi lanh dưới 2.0), người tiêu dùng dánh chịu lên tới ít nhất 90% giá trị chiếc xe. Ví dụ, xe 2.0 với giá khoảng 550 triệu (tại các nước lân cận) khi về Việt Nam và để đến tay người tiêu dùng sẽ cõng các loại thuế, phí lên tới 500 tiệu (đã hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% từ các nước Đông Nam Á). 

Người tiêu dùng chịu thiệt

Bên cạnh những điều tuyệt vời các hãng xe ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc đem lại cho Việt Nam, cũng còn một số thực tế góp phần hạn chế sự phát triển của ngành ô tô Việt Nam.

Chi tiết đầu tiên được nhiều chuyên gia để ý là các công ty Việt Nam trên thực tế hầu như không được tham gia vào chuỗi giá trị của quá trình sản xuất ô tô. Nói đơn giản, các hãng xe phần lớn chỉ định các nhà cung cấp trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các công ty Việt Nam chỉ tham gia với vai trò thầu phụ, gia công nhưng số rất ít những linh kiện đơn giản (trong gần 30.000 chi tiết) của xe ô tô. Lý do vì Việt Nam không có hành lang pháp lý yêu cầu “nội địa hóa” đúng nghĩa. Điều này đã góp phần không nhỏ vào thực tế các ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không thể phát triển và đang trong giai đoạn “lâm sàng” dù được kêu gọi hỗ trợ và phát triển rất nhiều.

Một trong những công ty cơ khí hàng đầu Việt Nam cho biết, họ phải đầu tư thời gian 4 năm, đầu tư tài chính mua máy móc, đào tạo huấn luyện lao động chỉ để có được hợp đồng gia công cho 4 sản phẩm đơn giản cho một hãng lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam với sản lượng 7.000 - 8.000 sản phẩm / năm. Chưa tính, toàn bộ phôi, nguyên liệu công ty phải mua từ nhà cung cấp chỉ định của hãng xe.

Tại Việt Nam, quá trình sản xuất xe chủ yếu là lắp ráp các linh kiện nhập khẩu có sẵn. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá xe sản xuất trong nước. Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô vào Việt Nam hiện nay khoảng 7 - 9%, tay nghề chuyên môn của lực lượng lao động không được nâng cao và cuối cùng là những gánh chịu của người tiêu dùng, khách hàng cuối cùng.

Hiện tại theo các chuyên gia, chi phí sản xuất ô tô lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 10% - 20% so với nước ngoài nên có giá bán cao hơn xe nhập. Theo nhiều dự báo nếu không có những thay đổi lớn, thị trường xe ô tô du lịch Việt Nam sẽ chủ yếu thành nơi nhập khẩu hoặc lắp ráp từ các “dây chuyền cũ” của các hãng xe trên thế giới.

Các loại thuế, phí đang đè năng người tiêu dùng Việt Nam. Mỗi chiếc xe nhập khẩu vào Việt Nam và để đến tay người tiêu dùng phải cõng ít nhất 10 loại phí chính thức khác nhau (chưa kể các phụ phí, địa phương phí v.v.) như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuể VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại phí như phí trước bạ, phí biển số, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm.

Thực tế các hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc gần như thống trị tuyệt đối thị trường xe ô tô Việt Nam cũng là một thiệt thòi cho người tiêu dùng không có cơ hội tiếp cận những lựa chọn khác. Nếu so sánh khập khiễng, hơi giống thời bao cấp khi người dân chỉ có cơ hội lựa chọn rất hạn chế một số mặt hàng.

Ngoài những lý do nhạy bén, chiến lược kinh doanh, tiếp thị bán hàng phù hợp với môi trường Việt Nam các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được hưởng nhiều ưu đãi “không thành văn” khi tham gia vào đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, lý do văn hóa kinh doanh, con người cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội và quyết định tham gia thị trường của các hãng xe châu Âu, châu Mỹ tại Việt Nam.